PV Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Trần Hoàng Ngân (ảnh), ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).Nâng hiệu quả sử dụng vốnThưa ông, vì sao việc tái cơ cấu DNNN lại thực hiện chậm như vậy?Tái cơ cấu nền kinh tế bắt đầu khởi động từ Nghị quyết 10 của Quốc hội năm 2011. Nhưng đến tháng 2/2013 thì Thủ tướng Chính phủ mới có đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, các tập đoàn kinh tế nhà nước, các ngân hàng thương mại.
Từ đó đến nay, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là về mặt thể chế. Cụ thể, chúng ta đã ban hành rất nhiều các văn bản liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn, các văn bản liên quan đến quyền sở hữu, đại diện người sở hữu vốn của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý giám sát. Cho đến tháng 9/2014 đã cổ phần hóa được 170 DNNN và sắp xếp được khoảng 100 DNNN nữa. Trong thời gian này cũng đã tạo một sự đồng thuận về việc tái cơ cấu DNNN; vì đây là một quá trình cải cách, đổi mới; thực hiện tái cơ cấu không chỉ ở vật chất mà cả ở tư duy.
Nhưng cũng phải thấy rằng, so với sự mong đợi thì tái cơ cấu DNNN bị chậm. Hiện nay vẫn còn một số tồn tại, đó là một số địa phương, ban ngành, một số bộ còn chần chừ trong vấn đề tái cơ cấu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết liệt trong vấn đề này, yêu cầu các cơ quan ban ngành, các bộ phải lập đề án tái cơ cấu. Thậm chí các thành phố lớn, tỉnh nào chưa có đề án đó thì Chính phủ sẽ kiểm điểm.
Có rất nhiều việc cần phải làm khi tái cơ cấu DNNN như thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, thay đổi lĩnh vực kinh doanh… Nhưng hình như hiện nay đang có sự nhầm lẫn, đánh đồng hoặc đặt nặng tái cơ cấu chỉ là cổ phần hóa. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?Phải khẳng định rằng, cổ phần hóa chỉ là một phần của tái cơ cấu DNNN. Điều quan trọng của tái cơ cấu DNNN, thứ nhất là phải nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn của nhà nước tại DN đó vì hiện nay DNNN đang sử dụng một khoản vốn chủ sở hữu lên tới 1 triệu tỷ đồng. Phải làm sao để DN sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả để còn đóng góp ngược trở lại cho nguồn thu ngân sách Nhà nước. Thực tế là theo Nghị quyết của Quốc hội năm 2013 mà năm nay chúng ta có thể có trong ngân sách Nhà nước 41.000 tỷ đồng từ lợi nhuận và cổ tức từ DNNN.
Thứ hai là chúng ta phải thay đổi được cơ chế quản lý DNNN, làm sao để cho DNNN tự chủ vì hiện nay DNNN bị chi phối bởi rất nhiều ban ngành. UBND các tỉnh, thành cũng rất nhiều vị chỉ đạo doanh nghiệp. Khi làm gì thì phải xin ý kiến hết sở này đến sở khác, nhưng khi có chuyện gì xảy ra thì không có ai chịu trách nhiệm cả.
Tạo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước Có ý kiến cho rằng, tái cơ cấu DNNN quan trọng không phải chỉ là có bao nhiêu DN đã tái cơ cấu mà là có bao nhiêu DN đã định giá xong tài sản và chào bán cổ phiếu lần đầu; đặc biệt là giảm thiểu tác động xấu đến Ngân sách Nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?Đúng như vậy. Hiện nay chúng ta đang yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải lập đề án tái cơ cấu và Chính phủ phê duyệt đề án đó. Đến nay có khoảng hơn 100 tập đoàn, tổng công ty lớn trên tổng số 120 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện được. Chúng ta cũng đã tiến hành kiểm toán, đánh giá tài sản nhà nước của những doanh nghiệp này.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải gắn cổ phần hóa với niêm yết trên sàn. Đó là yếu tố bắt buộc, bởi vì khi niêm yết trên sàn sẽ đảm bảo tính minh bạch, tăng cường công tác thanh tra giám sát của các cổ đông, kể cả người dân. Lúc đó, tính thanh khoản của cổ phiếu sẽ cao hơn, đấu giá sẽ được nhiều hơn; từ đó nguồn thu về cho Nhà nước sẽ nhiều lên.
Còn tiền khi cổ phần hóa thì hiện nay chúng ta đưa về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DNNN, chỉ đưa về Ngân sách Nhà nước tiền lợi nhuận, cổ tức. Nhưng như thế thì vấn đề đặt ra là quản trị nguồn tiền này phải minh bạch, nếu không sẽ dẫn đến việc bán tài sản Nhà nước rồi lại bị thất thoát. Vì vậy, bây giờ phải luật hóa bằng Luật Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước mà sắp tới đây Quốc hội sẽ thông qua. Từ đó, sẽ tách bạch được đại diện vốn sở hữu, vấn đề quản lý, quản trị và trách nhiệm của những người sử dụng vốn nhà nước.
Ông có cho rằng hiện nay khi tái cơ cấu DNNN đã đặt ra quá nhiều mục tiêu, chẳng hạn: Tái cơ cấu nhưng đồng nghĩa cũng phải đấy mạnh hoạt động kinh doanh, giải quyết hợp lý lao động dôi dư… Điều này dẫn đến có DN đang gặp khó khăn sẽ lấy lý do này để trì hoãn tái cơ cấu?Cái gốc của vấn đề hiện nay là thể chế, tức là luật phải rõ ràng, minh bạch, để từ đó không có cá nhân, cơ quan nào, bộ nào, UBND tỉnh, địa phương nào chần chừ, cản trở quá trình tái cơ cấu vì đây là vấn đề sống còn của nền kinh tế quốc gia. Quá trình tái cơ cấu lần này còn minh chứng cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang hoạt động hiệu quả, chứ không phải làm xấu đi các DN yếu kém.
Thưa ông, có lợi ích nhóm khi tái cơ cấu DNNN hay không?Lợi ích nhóm thì ở đâu cũng có. Vấn đề là làm sao để lợi ích nhóm hòa với lợi ích chung của quốc gia và làm sao chúng ta giảm thiểu tối đa có thể được. Để làm được điều này, không có gì bằng là sự minh bạch.
Để có thể hoàn thành tái cơ cấu DNNN vào năm 2015, theo ông, điều quan trọng để thực hiện mục tiêu này là gì?Trong kỳ họp lần này Quốc hội sẽ thông qua Luật Quản lý vốn DNNN, từ đó cần cụ thể hóa bằng những thông tư, bằng những quyết định hết sức cụ thể để hệ thống DNNN (khoảng 1.000 DN) thực hiện theo luật pháp và tăng cường thanh tra giám sát đối với việc chấp hành luật của các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước.
Điểm thứ hai là các bộ, ban, ngành cần thể hiện quyết tâm chính trị trong việc đồng nhất phải thực hiện tái cơ cấu cho được toàn diện nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; trong đó phải chấp nhận hy sinh lợi ích riêng của mình. Bởi hiện nay vẫn còn đâu đó có tỉnh, thành phố chần chừ thực hiện cổ phần hóa DNNN vì họ muốn để lại DNNN để có thể quản lý và chi phối, trong khi cổ phần hóa khi tái cơ cấu sẽ thể hiện sự minh bạch và chịu sự giám sát bởi luật pháp và người dân, giám sát bởi các cổ đông.
Hiện nay sự can thiệp của các ban ngành với DNNN là tùy hứng. Khi DNNN quyết định một chiến lược kinh doanh phải trình hết cơ quan này đến cơ quan khác. Một số DNNN nói với tôi là hãy cởi trói cho họ để họ có thể giống như DN tư nhân, để họ có thể tự chủ. Tất nhiên, tự chủ phải gắn với luật pháp, gắn với trách nhiệm. Nếu anh làm tổn hại đến tài sản nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Xin cảm ơn ông! Xuân phong (thực hiện)