Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện góp phần xây dựng hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 3/6, Quốc hội nghe nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.

Đối với kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh- một trong những nội dung chủ yếu của dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép Cơ quan quản lý chuyên ngành, Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện trong việc phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý nhiễu. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông và của tổ chức được cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh trong việc kiểm tra các đăng ký tần số và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh của Việt Nam.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp có tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phép quyết định việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện và việc sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh; các tổ chức, cá nhân khác phải dừng sử dụng nếu có khả năng gây nhiễu có hại cho các trang bị, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đối với một số nội dung cụ thể, như phương thức cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quy định tại khoản 2 Điều 18, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ: Ủy ban nhận thấy, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là phương thức công khai, minh bạch, công bằng và được nhiều nước trên thế giới lựa chọn áp dụng. Phương thức này đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được triển khai trên thực tế.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình lý do trong 13 năm qua không thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành; đồng thời nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm tính khả thi của việc sửa đổi, bổ sung các quy định này trong dự thảo Luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển; quy định rõ những trường hợp nào phải đấu giá, những trường hợp nào phải thi tuyển.

Quy định "Băng tần có giá trị thương mại cao, bao gồm nhưng không giới hạn băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất" là không rõ ràng, khó hiểu. Do đó, Ủy ban đề nghị làm rõ và nghiên cứu chỉnh sửa lại quy định này - ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Đối với việc bổ sung khoản 4 vào Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đây là vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.

Trước mắt, chưa nên quy định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong dự án Luật vì khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước.

Việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là chưa đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện. Băng tần được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh là băng tần bí mật nên cơ quan quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện cũng như các cơ quan quản lý về tài chính sẽ khó tiếp cận để kiểm tra, giám sát khi sử dụng băng tần, kênh tần số phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế- ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng và GTVT
Chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng và GTVT

Trên cơ sở kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất 4 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, gồm: Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN