Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Cân đối vốn cần ưu tiên về tính trọng điểm, cấp bách Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và 2014-2016 là rất cần thiết nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội cho phép phát hành; góp phần thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020; đồng thời bổ sung nguồn để thanh toán dứt điểm dự án thuộc danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, 2014-2016 và một số dự án đã được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 trở về trước.
Theo đó, tổng vốn điều chỉnh giai đoạn 2012-2015 và 2014-2016 giảm 5.074,568 tỷ đồng, gồm: 3.776,867 tỷ đồng trình Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm; 448 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cắt giảm của dự án Di dân tái định cư thủy điện Sơn La và 849,701 tỷ đồng Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giảm giai đoạn 2012-2015 nhưng chưa bổ sung cho dự án khác.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh, trong giai đoạn 2012-2015, 2014-2016, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết về vốn trái phiếu Chính phủ, giao vốn đối với rất nhiều dự án. Tuy nhiên, sau rà soát cho thấy, một số dự án chưa giao hết kế hoạch vốn nhưng không còn nhu cầu sử dụng; một số dự án đã được giao kế hoạch và quá thời hạn nhưng không giải ngân hết vì không còn nhu cầu sử dụng vốn… Bên cạnh đó, lại có nhiều địa phương không thực hiện đúng cam kết về bố trí vốn thuộc phần trách nhiệm của mình dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài.
Các đại biểu đánh giá, việc tổ chức thực hiện phân bổ vốn chưa đúng, quyết định tăng quy mô, chưa thu hồi vốn ứng trước, chưa thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản là chưa tuân thủ các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là những tồn tại, thiếu sót kéo dài trong quản lý vốn đầu tư công thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ: "Trong khi nhiều công trình đang thiếu vốn, khát vốn, đang cần hoàn thành để đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của vùng, của địa phương và cả nước thì nợ xây dựng cơ bản vẫn nằm ở đó. Nhiều nơi vốn đưa vào không có nhu cầu để dùng. Trong công tác lập dự toán và phân bổ nguồn vốn của ngân sách Trung ương, nguồn trái phiếu Chính phủ cũng chưa nắm hết tình hình".
Các ý kiến đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này, tránh tình trạng nơi không có nhu cầu và chưa thể giải ngân, nơi thì khát vốn, thiếu vốn trầm trọng để hoàn thiện dự án. Việc cân đối vốn cần ưu tiên về tính trọng điểm, cấp bách cho đất nước. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị thu hồi toàn bộ vốn chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa sử dụng hết để giảm phát hành trái phiếu Chính phủ, đồng thời, không điều chỉnh, phân bổ vốn cho các dự án chưa thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội.
Đối với đề nghị của Chính phủ điều chỉnh giảm vốn Kế hoạch trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và 2014-2016 là 5.074,568 tỷ đồng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với kế hoạch này.
Về việc kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương năm 2015 đối với dự án của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể, dự án đường quốc lộ 991B được phân bổ 800 tỷ đồng từ năm 2015; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải ngân được. Về vấn đề này, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù được xác định là dự án cấp bách nhưng sau hơn 2 năm thực hiện, dự án vẫn chưa giải ngân là quá chậm trễ. Do đó, Chính phủ cần giải trình rõ lý do để có căn cứ xem xét cho phép kéo dài thời gian giải ngân đối với dự án này đến hết năm 2018. Nếu hết thời hạn trên, dự án chưa giải ngân hết số vốn này thì thu hồi về ngân sách Trung ương.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát khoản mà các bộ, địa phương đề nghị không cắt giảm kế hoạch hàng năm do còn nhu cầu sử dụng là 886,1 tỷ đồng; nếu không phải cấp bách, quan trọng thì kiên quyết thu hồi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại, chỉ ưu tiên phân bổ vốn cho các công trình giao thông, thủy lợi cấp bách. Đối với những dự án dưới 100 tỷ đồng hoặc đã được các địa phương cam kết trước đây là không sử dụng ngân sách Trung ương nữa thì cũng không bố trí vốn.
Điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Cũng trong chiều 12/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020.
Theo Tờ trình của Chính phủ, kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 7.300 tỷ đồng. Kinh phí này được tính toán trên cơ sở số hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở là 282.948 hộ. Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát và cập nhật số hộ gia đình người có công với cách mạng, tổng số hộ gia đình cần được hỗ trợ về nhà ở trong giai đoạn 2016-2020 là 313.707 hộ với nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 8.810 tỷ đồng. Mặc dù về tổng số tiền hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tăng nhưng trong phương án phân bổ chi tiết cho 5 địa phương (Hà Nội, An Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Tiền Giang) giảm 101,208 tỷ đồng so với số đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng đã giao cho các địa phương này.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép cắt giảm 101,208 tỷ đồng kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng đã giao cho 5 địa phương, trong đó: Hà Nội: 30,736 tỷ đồng, An Giang 69,958 tỷ đồng, Hà Tĩnh 32 triệu đồng, Hải Dương 406 triệu đồng, Tiền Giang 76 triệu đồng. Toàn bộ số vốn cắt giảm nêu trên bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đại diện cơ quan thẩm tra, cho rằng, mức cắt giảm của một số địa phương khá cao như thành phố Hà Nội 30 tỷ đồng, An Giang 69,958 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ cần giải trình rõ hơn lý do dẫn đến việc phải đề xuất điều chỉnh giảm đối với phần vốn hỗ trợ cho 5 địa phương này, bảo đảm thống nhất với các địa phương về chủ trương cắt giảm phần vốn đã bố trí để tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.
Qua số liệu báo cáo cho thấy, số lượng các hộ gia đình thuộc diện cần hỗ trợ cũng như nhu cầu cần hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đã có sự thay đổi đáng kể so với thời điểm Chính phủ báo cáo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bố trí vốn cho nhiệm vụ này. Điều này thể hiện công tác quản lý, thống kê, tổng hợp số liệu để làm căn cứ phục vụ cho quá trình xây dựng dự toán, đề xuất tổng mức vốn cần hỗ trợ còn chưa nhất quán, chưa sát với tình hình thực tế. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rút kinh nghiệm, rà soát lại để bảo đảm chính xác, đầy đủ; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giao vốn cho các địa phương để triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các hộ gia đình người có công với cách mạng.
Về đề xuất cắt giảm và bổ sung phần vốn cắt giảm cho Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, việc này là hợp lý đồng thời không làm thay đổi tổng mức kế hoạch đầu tư công trung hạn.