“Quốc hội, Chính phủ và cơ quan thuộc Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới, đặc thù, các chính sách, quy định có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật”, ông Nguyễn Khắc Định cho biết.
Theo đó, có 1 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 28/11/2023; 1 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024; 5 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024; 4 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; các nghị quyết còn lại có hiệu lực ngay từ khi được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, một số điều khoản cụ thể trong luật có hiệu lực sớm hoặc muộn hơn so với hiệu lực chung của luật.
Không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn trong thực hiện
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Thời gian tới, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ thực hiện các nội dung quy định trong luật, nghị quyết theo thẩm quyền; đồng thời xử lý những vấn đề phát sinh (nếu có) trong khi thi hành luật, nghị quyết.
Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ đã và đang kịp thời ban hành kế hoạch thi hành luật, nghị quyết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống; khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội); bảo đảm tính khả thi, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn trong thực hiện.
“Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước; chuẩn bị đầy đủ điều kiện về nguồn nhân lực, điều kiện bảo đảm...; đồng thời, tăng cường trách nhiệm, nhất là người đứng đầu và có giải pháp quyết liệt để thực hiệu hiệu quả các nhiệm vụ được luật, nghị quyết của Quốc hội đề ra; đẩy nhanh tiến độ, tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc về thủ tục hành chính, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 theo yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết.
“Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, ‘lợi ích nhóm’, ‘lợi ích cục bộ’ trong thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức; tăng cường kiểm soát để không làm phát sinh quy trình, thủ tục, ‘giấy phép con’ trái quy định; chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật; kịp thời khen thưởng, biểu dương những nơi làm tốt, kiểm điểm, phê bình những cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ được giao và có biện pháp chấn chỉnh”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Tạo thuận lợi cho người dân, thúc chuyển đổi số
Cụ thể: Luật Căn cước số 26/2023/QH15 có nhiều quy định mới về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm một số thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; đổi tên từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; sửa đổi quy định về một số thông tin trên thẻ để phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi hơn cho người dân; bổ sung quy định điều chỉnh đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; quy định 1 chương về căn cước điện tử, danh tính điện tử của công dân Việt Nam nhằm góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.
Làm rõ phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự số 25/2023/QH15 đã bổ sung, làm rõ phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự được xác định cả trên mặt đất, mặt nước, trong lòng đất, dưới mặt nước và trên không; quy định nguyên tắc, tiêu chí phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn; thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; quy định lực lượng quản lý và lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan...
Quy định chức năng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở số 30/2023/QH15 được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng hiện có là: Bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng; có vị trí, chức năng là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là: Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư; không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai.
Có quy định cụ thể về việc không phân biệt tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và quy định pháp luật khác có liên quan; quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tuân thủ Hiến pháp; trong đó, quy định rõ 31 trường hợp cụ thể; hoàn thiện các quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, Luật hóa và bổ sung, hoàn thiện các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất nhằm giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại; hoàn thiện các quy định về chính sách tài chính về đất đai…
Đơn giản thủ tục đầu tư dự án phát triển nhà ở; quản lý chung cư mini
Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là: Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm, hạn chế sự can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; tăng cường quản lý chặt chẽ loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini).
Đặc biệt, cải tiến, đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư dự án phát triển nhà ở; bổ sung nhiều cơ chế ưu đãi với các nội dung cụ thể, minh bạch, dễ thực hiện nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở, trong đó trọng tâm là dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án xây dựng nhà ở xã hội...
Nâng cao tính minh bạch của thị trường bất động sản
Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm, trong đó, làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo với Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thi hành án dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…; bổ sung quy định về những trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản; bổ sung, hoàn thiện các quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; điều chỉnh chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai năm 2024.
Hoàn thiện các quy định về việc công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh, xác định việc công khai thông tin là điều kiện bắt buộc khi kinh doanh bất động sản, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi của người mua, thuê, thuê mua bất động sản…
Khuyến khích sự tham gia đối với các hoạt động liên quan tới tài nguyên nước
Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 có nhiều quy định mới về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; các chính sách để khuyến khích sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội đối với các tất cả các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước; các nội dung vềchính sách kinh tế tài nguyên nước;việc phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; phòng, chống xâm nhập mặn; phòng, chống sụt, lún đất; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ...
Sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn
Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số dịch vụ mới (dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; bổ sung, quy định các nội dung để tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng viễn thông, đáp ứng vai trò là hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện các quy định về hoạt động viễn thông công ích; quy định cụ thể về đấu giá đối với các loại tài nguyên kho số viễn thông, tài nguyên Internet phải đấu giá; quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh và điều chỉnh điều kiện cấp phép viễn thông đối với các trường hợp khác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp…
Hạn chế tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng
Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro tiệm cận với thông lệ tốt về quản trị công ty; tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; sửa đổi một số quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng bên cạnh yêu cầu chặt chẽ về quản trị, điều hành.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước, trong đó tăng cường trách nhiệm thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); quy định sự phối hợp giữa NHNN và các cơ quan, nhất là Bộ Tài chính trong công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao tính hiệu quả trong quản lý, giám sát...