Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận Bộ Chính trị

Ngày 22/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56- KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.


Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN.


Các đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Sau 3 năm triển khai thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị, khu vực kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên được xác định rõ hơn. Nhiều tỉnh, thành uỷ đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền nội dung Kết luận số 56 và xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đến các tổ chức đảng cơ sở. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã được phân công, phân cấp rõ ràng hơn, hệ thống cơ chế, chính sách đã được hình thành.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã đã dần phục hồi và tiếp tục phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đến cuối năm 2014, cả nước có gần 143 ngàn Tổ hợp tác, với trên 1,5 triệu thành viên, trong đó thành lập mới trên 10 ngàn tổ hợp tác, gần 19 ngàn hợp tác xã, với trên 7 triệu thành viên. Vốn điều lệ bình quân là 1.354 triệu đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân ước đạt 261 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của khu vực hợp tác xã đạt khoảng 3,3 – 3,5%, mức đóng góp vào GDP đạt khoảng 5,15%. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã năm 2014 đạt gần 1,6 triệu lao động. Trong thực tiễn, các hợp tác xã kiểu mới đã xuất hiện, được tổ chức theo đúng nguyên tắc, bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác cùng có lợi, hướng tới sản xuất quy mô lớn, chất lượng và năng suất cao, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã hình thành những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp và các nhà khoa học để thực hiện quy trình canh tác hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Các hộ sản xuất cá thể thông qua hợp tác xã để tiếp nhận hỗ trợ về vốn, dịch vụ, đào tạo, kỹ thuật nuôi trồng; liên kết nông dân với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Kinh tế tập thể đã phát triển trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải, tín dụng ngân hàng… và đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói riêng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của thành viên.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị còn có những tồn tại, kinh tế tập thể còn nhiều yếu kém: Một số nội dung của Kết luận số 56 và Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tập thể chưa được thể chế đầy đủ, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật hợp tác xã 2012 chưa được các bộ, ngành ban hành. Bộ máy tham mưu, quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã chưa đủ mạnh và hiệu quả thấp. Kinh tế tập thể phát triển chậm, còn nhiều yếu kém, quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác còn thấp. Năng lực, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất của cán bộ lãnh đạo, thành viên Hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhiều bất cập. Hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các hợp tác xã của hệ thống Liên minh hợp tác xã còn hạn chế.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có tham luận "Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới - khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bề vững cho người nông dân". Nêu bật thành tựu của nông nghiệp Việt Nam, phân tích những bất cập kéo dài và nguyên nhân, đề xuất các giải pháp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của hợp tác xã – Xây dựng các hợp tác xã kiểu mới là khâu đột phá. Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn, chủ thể quan trọng nhất phải là các hợp tác xã. Chuyển từ sản xuất hộ cá thể, đơn lẻ là chủ yếu sang sản xuất liên kết qua hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp qua hợp tác xã. Chủ thể để tiếp nhận các chính sách của nhà nước về quản lý sử dụng đất, về vốn, về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chủ thể để thực hiện liên kết hiệu quả nông dân với doanh nghiệp và các nhà khoa học là hợp tác xã. Chủ thể để cơ khí hóa sản xuất, thủy lợi hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả cao phải là hợp tác xã và các doanh nghiệp, chứ không phải là các hộ nông dân với chỉ 2 lao động và đất canh tác dưới 1 ha. Việc thành lập các hợp tác xã kiểu mới là một quá trình tự nguyện của các hộ nông dân, song sự vận động, hỗ trợ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, chính quyền các cấp là rất quan trọng. Cần có chương trình hiệp thương và phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp trong xây dựng chỉ tiêu vận động thành lập các hợp tác xã ở mỗi xã, huyện để việc vận động đạt tiến độ nhanh và kết quả cao nhất.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng: Với Luật hợp tác xã năm 2012 và các kết quả, tấm gương hợp tác xã kiểu mới ở nhiều địa phương, nếu đẩy mạnh việc hình thành và triển khai các hợp tác xã kiểu mới, đây là yếu tố nền tảng quan trọng nhất, là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân Việt Nam trong giai đoạn 2016-2030.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố, các hợp tác xã điển hình tiên tiến đã tham luận đã đánh giá khá đầy đủ, toàn diện tình hình kinh tế tập thể hiện nay, phân tích những tồn tại yếu kém và những nguyên nhân của nó cả khách quan và chủ quan, Hội nghị làm rõ hơn bản chất và nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhận thức rõ vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế -xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Qua đó, các đại biểu đã thống nhất xác định nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác trong giai đoạn tới.

Kết luận Hội nghị,Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị: để tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả cao Kết luận số 56 của Bộ Chính trị, ngay sau Hội nghị này, Ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần khẩn trương, tập trung tiếp tục đổi mới phương thức, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền việc thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị , để nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí vai trò kinh tế tập thể trong nền kinh tế. Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh cần xác định rõ nhiệm vụ triển khai thực hiện Kết luận số 56 của các ngành, các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, nhằm phát triển kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các cấp, các ngành tích cực triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/7/2015 của Thủ Tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012 và xây dựng chương trình, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thuộc phạm vi đơn vị mình quản lý.

Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 còn thiếu và tổ chức triển khai thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thường xuyên rà soát các văn bản, chính sách đã ban hành để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp thực tiễn và có hiệu quả thiết thực, nhất là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Các bộ, ngành cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chính sách về cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tài chính - tín dụng, khoa học - công nghệ và thị trường.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị cần tiếp tục có biện pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện để giúp các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã tổ chức, củng cố lại hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã, Luật hợp tác xã 2012, chủ động vươn lên, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém; Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam cần được củng cố, làm rõ và tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Liên minh trong phát triển kinh tế tập thể, bảo đảm thực hiện tốt chức năng là tổ chức đại diện của hợp tác xã và các nhiệm vụ được quy định tại Luật hợp tác xã năm 2012. Liên minh hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường biên soạn tài liệu, chương trình đào tạo và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ, thành viên hợp tác xã, nhất là cán bộ quản lý về trình độ quản lý điều hành, tổ chức sản xuất và kiến thức về thị trường và hội nhập quốc tế; chủ động hợp tác quốc tế tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả của các nước trên thế giới.

Các cấp, các ngành thường xuyên kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, cách làm tốt của các mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả để học tập, lựa chọn nhân rộng phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh và các đoàn thể tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện tốt công tác vận động, giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể, thường xuyên phát động các phong trào thi đua xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tổ hợp tác, hợp tác xã cần tự đổi mới, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động, phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện, nguồn lực hiện có nâng cao hiệu quả hoạt động góp phần thúc đây kinh tế tập thể ngày càng phát triển.


Hương Thủy (TTXVN)
Bế mạc Hội nghị sơ kết 2 năm đẩy mạnh học tập và làm theo lời Bác
Bế mạc Hội nghị sơ kết 2 năm đẩy mạnh học tập và làm theo lời Bác

Chiều 17/5, Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã hoàn thành kế hoạch đề ra, sau 1 ngày làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN