Sẽ kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức có biến động từ 300 triệu đồng/năm

Phát biểu sáng ngày 11/4 tại phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Lê Thị Nga cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản hàng năm là cán bộ từ cấp phó phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương trở lên; một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. 

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi theo hướng, bên cạnh các đối tượng kê khai theo Luật hiện hành, thì quy định mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.

Đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, so với nhóm đối tượng được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên hoặc dưới 0,9 nhưng làm việc ở một số vị trí công tác trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao cần phải kiểm soát chặt chẽ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

“Trước mắt, để phù hợp với thực tế và khả thi, nhóm đối tượng cán bộ, công chức còn lại chỉ cần kiểm soát tài sản, thu nhập ở mức độ đơn giản hơn, với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi tài sản, thu nhập của họ có biến động từ 300 triệu đồng trở lên hoặc khi được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Cũng theo bà Lê Thị Nga, so với luật hiện hành thì phương thức kê khai đã có sự thay đổi theo hướng thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai hàng năm và kê khai lại (chỉ bao gồm những người giữ các chức vụ cao hoặc làm việc ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao). 

Qua đó nhằm bảo đảm tập trung nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường ý thức tuân thủ của người kê khai, bảo đảm tính khả thi và góp phần khắc phục được tính hình thức của việc kiểm soát tài sản, thu nhập như thời gian qua. Quy định này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. Việc mở rộng sẽ được thực hiện khi đã làm tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng này và có đủ nguồn lực cho việc kiểm soát. 

“Nếu mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như dự thảo Luật (cho dù là kê khai lần đầu) mà không theo dõi biến động, không xác minh tài sản, thu nhập của họ thì lại không khắc phục được tính hình thức như thời gian qua”, bà Lê Thị Nga nói.

Trước đó, thừa uỷ quyền của Chính phủ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai. 

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật (Điều 37) đã được tiếp thu, chỉnh lý về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai. 

Theo đó, đối tượng có nghĩa vụ kê khai bao gồm: các Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; người ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; cán bộ, công chức; một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước. 

Riêng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức khi lần đầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, thì việc kê khai chỉ nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý cán bộ như đang triển khai trên thực tế hiện nay khi kê khai hồ sơ cán bộ, công chức và không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập.

“Đồng thời, để khắc phục tính hình thức, chưa thực chất trong thực hiện minh bạch về tài sản, thu nhập, Dự thảo đã được chỉnh lý các quy định về phương thức kê khai; quản lý bản kê khai; xác minh tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý”, Tổng Thanh tra Chính Phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà áp dụng các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng như đối với cán bộ, công chức nói chung trong hệ thống chính trị. 

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan, đơn vị khác, Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật (Điều 32) theo 2 phương án; tuy nhiên, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình. 

Thanh tra bộ hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, việc lựa chọn phương án này sẽ giúp hình thành theo hướng tập trung hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập với tổng số 120 đầu mối trên phạm vi toàn quốc với vai trò thống nhất quản lý, hướng dẫn thực hiện của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, 30 đầu mối ở Trung ương; 63 đầu mối ở địa phương và khoảng 27 đơn vị phụ trách tổ chức cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác. 

Bên cạnh  đó, giúp chuyên nghiệp hóa hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác chuyên trách nhằm quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất và hiệu quả hơn theo nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, trên cơ sở lực lượng hiện có, gồm khoảng 643 công chức đang làm việc chuyên trách về chống tham nhũng trên toàn quốc đã bước đầu có kinh nghiệm trong công tác này.

Hoàng Linh/Báo Tin tức
Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước
Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước

Chính phủ đã mở rộng phạm vị điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đối với một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN