Tại Văn bản số 306 /TB - VPCP, Văn phòng Chính phủ đã thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138/CP diễn ra ngày 22/7/2014.
Thông báo nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2014, công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm; mở nhiều đợt cao điểm tấn công truy quét các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm...
Phó Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế: Công tác nắm tình hình, tham mưu và chỉ đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự phát hiện chưa kịp thời, xử lý còn bị động, lúng túng. Hiệu quả phòng ngừa tội phạm còn hạn chế, phạm pháp hình sự vẫn tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2013. Toàn quốc hiện còn 615 băng, nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động theo kiểu "xã hội đen” chưa được triệt phá; tội phạm tham nhũng, buôn lậu, sử dụng công nghệ cao, ma túy còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng người ngay sợ kẻ gian. Tỷ lệ điều tra khám phá án, xử lý tin báo, tố giác tội phạm ở một số đơn vị, địa phương còn thấp. Quy chế thông tin, báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ, chế độ trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch, Thủ trưởng Công an tại đơn vị, địa phương chưa cụ thể, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống tội phạm.
Từ nay đến hết năm 2014 và thời gian tiếp theo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp chặn đứng sự gia tăng để kéo giảm tội phạm; xóa hết các băng nhóm tội phạm đang, đã phát hiện, làm ổn định tình hình ở 18 địa phương trọng điểm về tội phạm; nâng cao tỷ lệ xử lý tin báo, tố giác tội phạm đạt yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra (trên 90%); tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm trên 70%, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên 90%. Không để xảy ra tình trạng oan sai, không hình sự hóa các vụ việc dân sự; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an. Cụ thể là:
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng chức năng của các Bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm,... Nơi nào để tình hình tội phạm phức tạp kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trước hết là thủ trưởng cơ quan công an phải chịu trách nhiệm.
- Đánh giá lại mô hình, nhân rộng những điển hình tốt trong công tác phòng, chống tội phạm; rà soát kiến nghị, bổ sung những quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm thuộc Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, Tòa án.... Chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật, phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là tội phạm do nguyên nhân xã hội.
- Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030.
- Bộ Công an nghiên cứu củng cố và hoàn thiện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP để nâng cao hiệu quả công tác,.... Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là đợt cao điểm trước, trong, sau Tết nguyên đán Ất Mùi (2015).;..
- Nắm chắc và dự báo chính xác tình hình, tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người.
- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm. Gắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... an toàn về an ninh, trật tự, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.