Quyết định công bố dịch COVID-19 nhằm huy động sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị

Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Làm rõ hơn nội dung Quyết định của Thủ tướng để người dân hiểu đúng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Thực tế, Việt Nam đã bắt đầu bước vào công cuộc chống dịch COVID-19 ngay từ cuối tháng 1/2020. Có một thực tế là ngay từ ban đầu, mặc dù chỉ có một vài điểm có người mắc bệnh nhưng các tỉnh, thành phố của cả nước đã bắt đầu khởi động công tác chống dịch. Đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng kể từ ngày có ca mắc bệnh đầu tiên, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã tham gia chống dịch. Nước ta đã bước vào giai đoạn thứ 3 của cuộc chiến chống dịch.

Phó Thủ tướng khẳng định: Trên thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người mắc nhưng chính quyền, nhân dân địa phương đó đã tham gia chống dịch với tinh thần cả hệ thống và toàn dân chống dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc Thủ tướng ký Quyết định công bố dịch trên toàn quốc gồm ba mục tiêu chính:

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện cách ly toàn xã hội, các tuyến đường Đà Nẵng thưa vắng người ra đường. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Thứ nhất, để toàn hệ thống đồng lòng; làm tăng thêm tinh thần, trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.

Thứ hai, để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành Y tế, để thực sự mỗi người dân là một chiến sỹ tham gia chống dịch.

Thứ ba, khi Thủ tướng ký Quyết định công bố dịch bệnh trên cả nước có nghĩa tất cả các lực lượng tham gia chống dịch trên cả nước: Y tế, Công an, Quốc phòng và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch. Điều đặc biệt của Quyết định này là mặc dù ký ngày 1/4 nhưng Thủ tướng đã cho áp dụng chính sách đối với các lực lượng tham gia chống dịch - những người ở tuyến đầu - được hưởng từ 28/1/2020. Đây là sự động viên, khích lệ lớn của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của Đảng, Nhà nước đối với các đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước.

Phúc Hằng (TTXVN)
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cấp cứu như thế nào trong giai đoạn cách ly?
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cấp cứu như thế nào trong giai đoạn cách ly?

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để thực hiện việc tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu trong giai đoạn thực hiện cách ly, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng quy trình gồm 4 bước tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cấp cứu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN