Hiện nay, ở nước ta, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động, lãnh đạo thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Quy định 132 của Bộ Chính trị mới được ban hành về nội dung kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nghiêm cấm xử lý nội bộ đối với hành vi vi phạm
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được xem là nhiệm vụ xuyên suốt, hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quản lý, vận hành, giám sát bộ máy chính trị, đặc biệt là khối Tư pháp.
Quy định 132 (ngày 27/10/2023) quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của các cơ quan, người dân. Điều này có thể đem lại những hiệu quả không nhỏ trong công tác điều tra, xét xử về phòng, chống tham nhũng.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Theo Quy định 132, hoạt động tố tụng, thi hành án không chỉ nằm dưới sự lãnh đạo, giám sát của Đảng mà còn được giám sát bởi các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
Có thể thấy, không chỉ Nhà nước mà cả nhân dân cũng có thể tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tố tụng, thi hành án. Nhờ đó, việc phát giác, phát hiện và xử lý được hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn.
Quy định 132 đã liệt kê cụ thể 27 hành vi lợi dụng lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và một số các hành vi khác theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm mà chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các tổ chức đoàn thể để xử lý cho phù hợp.
Đối với những vi phạm đã bị xử lý kỷ luật nhưng xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết điều chuyển người vi phạm khỏi vị trí công tác đang đảm nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, không bố trí công tác liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; thu hồi, không bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các chức danh, chức vụ trong các cơ quan, tổ chức có hoạt động khác có liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án.
Đặc biệt, đối với những vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm giữ lại để xử lý nội bộ. Hơn nữa, tổ chức, người lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng khi để xảy ra vi phạm thì cũng có thể bị xử lý theo quy định của Đảng. Thông qua đó, hoạt động điều tra, xét xử đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tố tụng, thi hành án sẽ không còn bị hạn chế bởi các quy định riêng rẽ, điều lệ như trước mà thay vào đó là xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Quy định 132 đã cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền theo Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10; đồng thời chỉ rõ mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn. Như vậy, việc trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm sẽ rất khó xảy ra.
“Một trong những yếu tố quan trọng là tạo dựng lòng tin của người dân và hoàn thiện các quy trình trong công tác điều tra, xét xử về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, Quy định 132 được ban hành được xem là một bước tiến lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc kiểm soát quyền lực ngay từ gốc rễ là biện pháp hữu hiệu, khiến cho những người có ý muốn tham nhũng, tiêu cực phải "suy nghĩ lại". Nhờ đó, vấn nạn tham nhũng, tiêu cực sẽ được hạn chế, giúp cải thiện lòng tin của người dân, giúp cho công tác điều tra, xét xử trở nên dễ dàng hơn, đơn giản hóa hơn như trước đây.
Tăng cường niềm tin của nhân dân
Tâm đắc với nội dung trong Quy định số 132 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long cho biết: Trong các hoạt động của cơ quan Trung ương Hội và các cấp Hội luật gia, Hội Luật gia Việt Nam luôn yêu cầu các luật gia phải nghiêm túc thực hiện 6 chuẩn mực đạo đức của hội viên Hội Luật gia Việt Nam, trong đó có tiêu chí: “trung thực, khách quan, liêm chính, chí công, vô tư”.
Theo ông Trần Đức Long, những chuẩn mực này có nội hàm tương ứng phù hợp với các nội dung tại Quy định 132. Xét về tổng thể, Quy định này vừa có tính bao quát, vừa có những quy định chi tiết được đông đảo người dân đón nhận. Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao những quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc để cơ quan chức năng bảo vệ người tố giác và những người khác, để họ yên tâm hơn, vững tin hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội vì không có gì có thể “qua mắt” được nhân dân. Bên cạnh đó, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là phục vụ nhân dân, giúp Đảng ta, Nhà nước ta mạnh hơn.
Hội Luật gia Việt Nam sẽ sớm triển khai những hoạt động thiết thực, có các chương trình, chuyên đề ý nghĩa để đưa Quy định 132 vào thực tiễn, góp phần cùng Đảng và Nhà nước đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng nền tư pháp ngày càng liêm chính, vững mạnh.
Nhiều ý kiến của các cán bộ, đảng viên cho rằng, Quy định nêu trên hướng đến việc làm trong sạch đội ngũ ở chính những cơ quan có nhiều thẩm quyền, giúp các cơ quan này thực sự trong sạch và trở thành những "thanh bảo kiếm", những tấm "lá chắn" sắc bén để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nếu những lĩnh vực này được làm tốt, sẽ góp phần triển khai đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kỷ luật, kỷ cương được tăng cường, đồng thời, hạn thế thấp nhất tình trạng tham nhũng, tiêu cực...