Quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam chuẩn bị tích cực cho Lễ ký Công ước LHQ về chống tội phạm mạng

Ngày 26/3, tại thủ đô Vienna (Áo), Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) về phòng chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) đồng tổ chức tọa đàm “Hướng tới Hà Nội: Lễ ký Công ước LHQ về chống tội phạm mạng”. Mặc dù cuộc tọa đàm được tổ chức dành riêng cho các đại biểu khu vực châu Âu, song vẫn thu hút sự quan tâm và tham dự đông đảo từ các quốc gia khu vực địa lý khác và một số tổ chức quốc tế.

Tại cuộc tọa đàm, đoàn liên ngành của Việt Nam gồm Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ và các tổ chức quốc tế tại Vienna, Cộng hòa Áo cùng đại diện các Bộ Công an và Ngoại giao đã cập nhật tình hình chuẩn bị tổ chức Lễ ký Công ước tại Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với UNODC và các đối tác quốc tế để đảm bảo Lễ ký Công ước tại Hà Nội được tổ chức trang trọng, toàn diện và có tính lan tỏa. Việt Nam mong muốn sự kiện này không chỉ đơn thuần là một thủ tục pháp lý mà còn là nền tảng thúc đẩy đối thoại, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và tăng cường quan hệ đối tác giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân. Việt Nam cam kết bảo đảm sự kiện sẽ trở thành diễn đàn có ý nghĩa để thúc đẩy việc thực hiện Công ước của LHQ về chống tội phạm mạng và củng cố hợp tác toàn cầu trong phòng chống tội phạm mạng.

Đoàn Việt Nam cảm ơn tất cả các nước đã ủng hộ lựa chọn Hà Nội làm địa điểm mở ký Công ước, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UNODC, Văn phòng pháp lý LHQ (OLA) và các nước thành viên trong việc thúc đẩy Công ước Hà Nội sớm có hiệu lực và được thực thi hiệu quả trong thời gian tới.

Đoàn Việt Nam đánh giá trong nhiều thập kỷ qua, châu Âu luôn đi đầu trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để chống tội phạm mạng. Công ước Budapest được Hội đồng châu Âu thông qua vào năm 2001 đã đặt nền tảng cho tư duy toàn cầu về vấn đề này. Đây là văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên hình sự hóa các hành vi phạm tội trên mạng và tăng cường hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, tính chất ngày một tinh vi của tội phạm mạng đang đe dọa trực tiếp đến cơ sở hạ tầng quan trọng, hệ thống chính phủ và cuộc sống của người dân trên khắp châu Âu và toàn thế giới, đặt ra nhu cầu cấp bách về các khuôn khổ toàn diện, phổ quát và bổ sung cho các khuôn khổ hiện hành. Theo đó, Công ước LHQ về chống tội phạm mạng mới được thông qua đã đáp ứng nhu cầu đó khi cung cấp một nền tảng toàn diện cho sự hợp tác, hài hòa hóa thủ tục và chia sẻ bằng chứng điện tử dưới sự bảo trợ của LHQ. Việt Nam tin tưởng công ước mới không cạnh tranh mà bổ sung cho các văn bản hiện có, trong đó có Công ước Budapest. Công ước mới này mở rộng phạm vi hợp tác quốc tế và phản ánh mối quan tâm chung trong việc đảm bảo không gian mạng an toàn, bảo mật và tuân thủ luật lệ.

Đồng tình với đoàn Việt Nam, đại diện của UNODC và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại LHQ ở Vienna khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam. Đại diện nhiều nước khu vực châu Âu và một số nhóm khu vực khác đánh giá cao việc Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị cho Lễ ký Công ước, khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy hoàn tất các thủ tục nội bộ để kịp tham gia Lễ ký Công ước tại Hà Nội và sớm phê chuẩn Công ước, đồng thời cam kết ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tổ chức thành công Lễ ký tại Hà Nội trong năm 2025.

Bên cạnh đó, cuộc tọa đàm cũng tăng cường nhận thức về tính chất phức tạp của tội phạm mạng và đề cao nỗ lực của UNODC phối hợp cùng các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) để hỗ trợ các quốc gia thành viên LHQ trong nỗ lực phòng chống tội phạm mạng, thông qua đối tác và hợp tác quốc tế.

Công ước LHQ về tội phạm mạng được Đại hội đồng LHQ chính thức thông qua ngày 24/12/2024. Công ước gồm 9 chương, 71 điều khoản, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: Xác định các hành vi được coi là tội phạm mạng, từ truy cập bất hợp pháp, can thiệp hệ thống đến lạm dụng trẻ em trực tuyến, rửa tiền có được từ các hoạt động phạm tội; Xác định thẩm quyền và các biện pháp điều tra, cho phép các nước có thể thu thập chứng cứ và truy tố hiệu quả các vụ án liên quan đến tội phạm mạng; Các biện pháp thủ tục và thực thi pháp luật; Hợp tác quốc tế trong điều tra, truy tố các đối tượng phạm tội mạng; Các biện pháp phòng ngừa, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức về an ninh mạng; Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin… Việc thông qua công ước là kết quả nỗ lực chung của tất cả các nước thành viên LHQ, trong đó Việt Nam.

Việc ký kết công ước tại Hà Nội sẽ đánh dấu lần đầu tiên một điều ước quốc tế đa phương mang tầm vóc toàn cầu về một lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu như an ninh mạng và quản trị số được ký kết tại Việt Nam. Theo thông lệ quốc tế, văn kiện này sẽ được gọi tắt là Công ước Hà Nội, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về sự tham gia và đóng góp tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng Công ước nói riêng và ứng phó các thách thức toàn cầu của LHQ nói chung.

TTXVN/Báo Tin tức (TTXVN)
LHQ đánh giá cao vai trò và đóng góp thiết thực của Việt Nam tại nhiều diễn đàn pháp lý quốc tế
LHQ đánh giá cao vai trò và đóng góp thiết thực của Việt Nam tại nhiều diễn đàn pháp lý quốc tế

Ngày 26/3, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) Đặng Hoàng Giang đã có buổi làm việc với Phó Tổng thư ký, Trưởng Văn phòng Pháp lý của LHQ Elinor Hammarskjöld nhân dịp bà tiếp quản vị trí này để trao đổi về hợp tác và các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN