Đã hai ngày qua, khi nước lũ dâng cao, hàng chục người dân tại các vùng thấp trũng của xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh đã được sơ tán lên khu vực cao, an toàn tại Trạm y tế xã Gia Ninh. Dù cuộc sống bị đảo lộn do nước lũ, song tại đây người dân rất an toàn, mọi sinh hoạt diễn ra bình thường, chính quyền địa phương cũng động viên người dân yên tâm tại khu vực sơ tán, chờ nước rút.
Bà Nguyễn Thị Ngoan, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, nước lên quá nhanh, gia đình bà chỉ kịp kê cao các tài sản giá trị, sau đó có thuyền của chính quyền địa phương đến đón sơ tán lên Trạm y tế xã để đảm bảo an toàn tính mạng. Tại đây, mọi sinh hoạt của gia đình bà và người dân vẫn bình thường, giờ chỉ chờ nước rút hết để về dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Chị Hoàng Thị Lương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh cho hay, những ngày qua, Trạm y tế xã đã đón gần 20 người dân cả người lớn và trẻ nhỏ của 6 hộ gia đình lên đây tránh lũ. Đơn vị cũng đã sắp xếp các phòng tập trung, đủ giường ngủ để người dân nghỉ ngơi, sinh hoạt.
Theo chị Lương, thời điểm người dân sơ tán lên Trạm y tế mưa rất to, nhiều cháu nhỏ quần áo ướt hết, người rét run. Các cán bộ y tế tại Trạm đã lấy áo quần blouse cho các cháu mặc tạm, đồng thời thăm khám, bảo đảm sức khỏe cho các cháu.
Tại huyện Quảng Ninh, đến chiều 29/10 vẫn còn nhiều hộ dân ngập sâu trong nước. Chính quyền đã cử 3 Tổ công tác đặc biệt mang theo lương thực, nước uống, thuốc men, đồ cứu hộ di chuyển vào nhiều điểm ngập sâu. Hiện nước đang rút chậm, trời không mưa, gió lặng khiến công tác ứng cứu, tiếp cận được thuận tiện hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát lại tất cả các hộ dân trên địa bàn đang bị ngập sâu, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các gia đình có người già, trẻ nhỏ cần hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực để tổ chức cứu trợ. Với phương châm "không ai thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống trong thời điểm ngập lụt, chia cắt", huyện sẽ cử lực lượng đến tận các gia đình bị ngập để cứu trợ. Các địa phương khuyến cáo người dân vùng ngập lụt không di chuyển nhiều, tránh tình trạng lật đò, đuối nước gây thiệt hại về người.
Tại vùng “rốn lũ” huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, do triều cường nên nước lũ trên sông Kiến Giang đang xuống chậm, hiện đã rút khoảng 0,4 m. Để hỗ trợ người dân, huyện Lệ Thủy đã thành lập Ban tiếp nhận cứu trợ tại 2 điểm là ngã tư Cam Liên trên Quốc lộ 1 (thuộc xã Cam Thủy) và tại chợ Động (xã Mai Thủy). Tại đây sẽ tiếp nhận và phân phối nhu yếu phẩm, lương thực, nước uống của các đoàn cứu trợ về cho dân vùng lũ các địa phương.
Huyện Lệ Thủy cũng đã huy động 10 thuyền của ngư dân vùng biển các xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy để phục vụ vận chuyển hàng cứu trợ từ 2 điểm tiếp nhận đến người dân theo sự phân phối của chính quyền địa phương. Đây là những thuyền viên có kinh nghiệm đưa hàng cứu trợ vào vùng lũ từ trận lũ năm 2020. Các thuyền sẽ luân phiên túc trực ở 2 điểm tiếp nhận và chở vào vùng lũ cho người dân.
Đến 17 giờ ngày 29/10, toàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn 32.900 nhà dân bị ngập sâu trong nước, trong đó huyện Lệ Thủy có 19.762 nhà; huyện Quảng Ninh có 12.123 nhà, và thành phố Đồng Hới có 1.000 nhà bị ngập; 43 thôn, bản bị chia cắt. Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể anh N.V.B (trú tại thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) bị mất tích vào ngày 28/10 do nước lũ cuốn trôi.