Đối với Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, ông Chu Đình Động cho biết, Quy định số 114-QĐ/TW được ban hành trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, có bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp yêu cầu, sát tình hình thực tiễn.
Nhấn mạnh phạm vi điều chỉnh trong Quy định 114-QĐ/TW mở rộng hơn so với Quy định số 205-QĐ/TW, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối cho biết, đó là quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.
Cùng với đó, quy định bổ sung đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ. Hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, quy định riêng 1 chương gồm 3 điều (Điều 3, Điều 4, Điều 5) để giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Về hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được nêu trong Điều 3, cụ thể gồm: Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định; khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Quy định số 114-QĐ/TW cũng đã bổ sung thêm các hành vi chạy chức, chạy quyền như: Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.
Bên cạnh đó, Quy định này còn bổ sung thêm một số hành vi tiêu cực khác như: Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền xử lý; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ; báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực; trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Long Hải nhấn mạnh, việc quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 114-QĐ/TW nhằm góp phần nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ; làm cho công tác cán bộ ngày càng thực chất hơn.
Để triển khai nghiêm túc Quy định của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Long Hải nhấn mạnh, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối phải nắm rõ quy định mới, gương mẫu thực hiện, triển khai khách quan, công tâm trong việc quyết định công tác cán bộ; đồng thời khẩn trương quán triệt trong các đơn vị, doanh nghiệp.
Cùng với đó, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng tiếp tục đổi mới từ phương thức quán triệt nghị quyết, đến thực hiện các quy chế, quy trình công tác Đảng, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ.