Quản lý bất động sản và dòng tiền mặt để chống tham nhũng hiệu quả

Thu nhập bất chính đều do việc quản lý dòng tiền, tiền mặt thiếu chặt chẽ. Đây là vấn đề gốc rễ để phòng, chống tham nhũng. 

Sáng 13/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Bên lề Quốc hội, các đại biểu đã chia sẻ về vấn đề này. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai). Ảnh: TTXVN

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Bất động sản là nơi trữ tiền bạc tốt nhất

Yếu tố quan trọng nhất của chống tham nhũng là sự minh bạch. Để có được sự minh bạch, cần một hệ thống giám sát và quan trọng là giám sát nguồn thu nhập, nhưng hiện có quá nhiều kẽ hở, kiểm kê tài sản khó nhất là khi có sự luồn lách xảy ra. 

Tôi không lý tưởng hóa việc xây dựng Luật một lần sẽ giải quyết hết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng chúng ta phải đấu tranh chống tham nhũng một cách toàn diện. Tôi lấy ví dụ như câu chuyện bất động sản, bất động sản là nơi có thể trữ tiền bạc tốt nhất, thậm chí rửa tiền tốt nhất, nhưng tại sao khi nhắc đến việc kiểm soát bất động sản thì ai cũng dè chừng.

Bên cạnh đó, khó có thể chứng minh tài sản tham nhũng khi tài sản này được chuyển cho người thân một cách dễ dàng. Nhưng khi Luật Phòng chống tham nhũng ra đời, mọi người sẽ phải dè chừng hơn, kín đáo hơn vấn đề này. Tuy nhiên, kín đáo đến đâu thì cũng phải tìm ra và từng bước giải quyết. 

Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thời gian qua là rất thấp, quá nhiều ngóc ngách và không kiểm soát được. Đây là thước đo lòng tin của người dân. 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát dòng tiền mặt

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, có nhiều vụ án tham nhũng khi bị phanh phui ra đã phát sinh những vấn đề do công tác quản lý cán bộ, sự tha hóa, biến chất của cán bộ. 

Để phòng chống tham nhũng thì đầu tiên phải quản lý cán bộ. Muốn quản lý cán bộ tốt phải có cơ chế rõ ràng trong công tác quản lý, giáo dục cán bộ và kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các cơ quan. 

Phòng là chính, không phải chống là chính, nhưng rõ ràng, chúng ta chưa làm tốt vấn đề này, việc quản lý cán bộ còn nhiều kẽ hở, lỏng lẻo. Phải kiểm soát mối quan hệ xã hội của cán bộ. 

Về vấn đề quản lý tài chính, tài sản chưa có quy định cụ thể. Như hiện nay, Luật Phòng chống tham nhũng đưa ra rất nhiều quy định, nhưng lại không nêu quy định về việc sử dụng tiền mặt. Trong khi quà biếu, hay mọi thứ tham nhũng, sinh ra thu nhập bất chính đều do việc quản lý dòng tiền, tiền mặt thiếu chặt chẽ, làm sao để kiểm soát dòng tiền mặt? Đây là vấn đề gốc rễ để phòng tham nhũng. 

Vấn đề cuối cùng là vấn đề xử lý đối tượng tham nhũng, khi phát hiện ra thì phải xử lý thật nghiêm, xử lý người này nhưng tạo ra sự răn đe cho người khác, tạo thành một áp lực từ dư luận, đạo đức xã hội. Điều này, sẽ giúp cho người cán bộ biết giữ gìn hơn.  

H.V/Báo Tin tức
Sáng nay 13/11, Quốc hội thảo luận về phòng ngừa tội phạm, phòng chống tham nhũng
Sáng nay 13/11, Quốc hội thảo luận về phòng ngừa tội phạm, phòng chống tham nhũng

Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 13/11, Quốc hội làm việc cả ngày tại hội trường, thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN