Phòng không - Không quân là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo

Phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không trong công cuộc bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Phòng không - Không quân là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo.

Nêu cao tinh thần cảnh giác

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân (PK - KQ) cho rằng: Hiện nay, trước những diễn biến mới tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, nguy cơ và thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh, cạnh tranh, tiềm ẩn yếu tố mất ổn định, nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ tài nguyên và khủng bố không thể xem thường.

Đặc biệt, diễn biến tranh chấp chủ quyền trên khu vực Biển Đông ngày càng phức tạp, khó dự báo. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu cao hơn, nặng nề hơn, đòi hỏi toàn quân và toàn dân ta phải ra sức củng cố quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.  

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh, Quân chủng PK - KQ cần thường xuyên bồi dưỡng, xây dựng ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội. Chiến tranh là sự đối chọi năng lực toàn diện của một quốc gia, bao gồm sức mạnh chính trị, quân sự, sức mạnh kinh tế và sức mạnh văn hoá. Tính chất hiện đại của cuộc chiến tranh không chỉ thông qua phương tiện vũ khí, trang bị mà còn phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh. Hoạt động tác chiến giữa hai phía là sự đối chọi quyết liệt giữa con người và vũ khí nhằm đạt mục đích chính trị của mỗi bên.

Các thế lực xâm lược luôn tạo sức mạnh chiến thắng bằng hệ thống vũ khí, trang bị hiện đại có sức hủy diệt lớn, ngược lại các nước nhỏ yếu bị xâm lược phải luôn lấy yếu tố con người, có ý chí và trình độ cao về nghệ thuật tác chiến để tạo nên sức mạnh chiến thắng. Do đó, chúng ta cần phải chủ động bồi dưỡng, xây dựng ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội.

Trong tương lai nếu xảy ra cuộc chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao thì yếu tố con người (bao hàm ý chí và trí tuệ) vẫn là yếu tố quyết định. Vì vậy, quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, ưu tiên một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, trong đó có Quân chủng PK - KQ, với quan điểm "người trước, súng sau”, bên cạnh việc tăng cường đầu tư nguồn lực bảo đảm về vũ khí, trang bị hiện đại phục vụ cho chiến đấu, phải bồi dưỡng, xây dựng được những đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao và tư duy quân sự toàn diện, đầy đủ năng lực làm chủ vũ khí, phương tiện, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ Tổ quốc.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiền, Quân đội cần không ngừng củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân rộng khắp, lấy Quân chủng PK - KQ làm nòng cốt trên mặt trận đối không. Quy luật đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong đấu tranh giành độc lập dân tộc đã chỉ rõ: Muốn đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, chúng ta phải tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Trên mặt trận đối không, để chủ động sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch, chúng ta phải ra sức xây dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, xây dựng thế trận phòng không, không quân giữ vai trò hết sức quan trọng.

Trên các địa bàn trọng yếu, kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận đánh địch trên không của lực lượng PK, KQ quản lý, bảo vệ vùng trời với thế trận trên biển của các lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, thế trận khu vực phòng thủ và các lực lượng khác, giữ vững an ninh chủ quyền trên không, trên biển, hải đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. Ở mỗi khu vực, cùng chiến lược, cần bố trí lực lượng phòng không ba thứ quân cùng các lực lượng khác hình thành thế trận thống nhất, vững chắc, liên hoàn trên không với trên bộ, trên biển.

Làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, cơ chế, chính sách, pháp luật về xây dựng lực lượng, thế trận PK, KQ trên các địa bàn trọng yếu, bảo đảm cho Quân chủng PK - KQ thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới trên không của Tổ quốc.

Phối hợp tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức phổ thông về công tác phòng không nhân dân cho mọi tổ chức, cá nhân. Trong đó, chú trọng những thành phần trực tiếp tham gia công tác phòng không nhân dân. Các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, lồng ghép các chương trình giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm thực hiện công tác phòng không nhân dân, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên không, trên biển, đảo trong các nhà trường, tổ chức xã hội và nhân dân.

Tổ chức biên chế tinh, gọn, mạnh phù hợp với tình hình, nhiệm vụ

Tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế tinh, gọn, mạnh phù hợp với tình hình, nhiệm vụ, bảo đảm tính ổn định lâu dài. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 2/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.

Tiến hành các giải pháp xây dựng Quân chủng theo hướng “tinh, gọn, mạnh” theo kế hoạch, lộ trình chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời trong tình hình mới. Tích cực rà soát, điều chỉnh tổ chức, biên chế, trọng tâm là nghiên cứu tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt, nhất là các đơn vị được trang bị vũ khí, khí tài mới.

Trong sự nghiệp đổi mới, nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, do đó, cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất điều chỉnh, tổ chức, bố trí lực lượng hợp lý để bảo vệ các mục tiêu mới phát triển. Nghiên cứu phát triển từng bước lực lượng tác chiến mạng, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật. Tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đầu tư, mua sắm, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu.

Chú trọng hiện đại hóa hệ thống trịnh sát, hệ thống chỉ huy, chỉ đạo, tác chiến thống nhất, đồng bộ, bí mật, vững chắc, khả năng chỉ huy liên tục, bảo đảm cho lực lượng phòng không, không quân kỳn sẵn chiến đấu, không bị bất ngờ bởi tình huống trên không.

Tăng cường huấn luyện, không ngừng nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng của cán bộ chỉ huy các cơ quan, đơn vị phòng không ba thứ quân, không quân, toàn quân. Quán triệt, triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiền cho rằng, nội dung huấn luyện tập trung vào khai thác làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; huấn luyện chỉ huy bộ đội tác chiến với các đối tượng khác nhau trong các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương để tổ chức huấn luyện; chú trọng tổ chức huấn luyện diễn tập hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng phòng không, không quân với hải quân, bộ đội biên phòng, khu vực phòng thủ và các lực lượng khác để nâng cao khả năng tác chiến.

Thông qua diễn tập, tiến hành rút kinh nghiệm về phương pháp tổ chức, hình thức, phương pháp và nội dung; kịp thời bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch cho phù hợp với điều kiện tác chiến mới.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; tập trung nghiên cứu lý luận quân sự, thực tiễn các cuộc chiến tranh hiện đại trên thế giới để phát triển lý luận, nghệ thuật tác chiến PK - KQ trong những hình thái tác chiến mới trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc như: Chống dịch phong tỏa đường không; tác chiến không gian mạng; phương thức tác chiến trong chiến tranh ủy nhiệm, coi trọng nghiên cứu về những đối tượng tác chiến mới. Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, bảo đảm giữ tốt, dùng bền, khai thác hiệu quả tính năng của vũ khí, khí tài có trong biên chế, nhất là vũ khí, khí tài mới được trang bị. Nghiên cứu nâng cao năng lực sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật, sản xuất vật tư, phụ tùng thay thế có chất lượng với độ tin cậy cao, từng bước tự chủ, chủ động nguồn lực trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Tăng cường hội nhập quốc tế, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền trên không, trên biển. Để chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cần tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, tận dụng các diễn đàn, các cơ chế song phương, đa phương và các tổ chức ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế, ngăn ngừa nguy cơ.

Thực hiện nghiêm các cam kết mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhất là Luật Hàng không quốc tế, Công ước hàng không dân dụng quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Tuyên bố ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa.

Trên cơ sở đó, phối hợp đấu tranh làm rõ hành động xâm phạm chủ quyền trên không, trên biển, đảo; đấu tranh phản bác, vạch trần các luận điệu lừa bịp, xuyên tạc sự thật, giữ vững độc lập, chủ quyền trên không, trên biển. Tăng cường các hoạt động hợp tác với các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng như các nước trên thế giới trong các lĩnh vực như: Cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác bảo đảm các vấn đề về an ninh phi truyền thống trên không, trên biển để nâng cao năng lực của các lực lượng bảo vệ vùng trời, vùng biển của ta cũng như tăng cường mối quan hệ quốc tế rộng rãi, là cơ sở quan trọng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, góp phần thiết thực ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa theo quan điểm của Đảng.

50 năm đã đi qua, những kỳ tích của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn khắc ghi mãi trong niềm tự hào về truyền thống anh hùng yêu nước của nhân dân ta. Bài học tích cực, chủ động, sáng tạo góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm xưa sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các thế hệ hôm nay không ngừng nỗ lực, học tập, huấn luyện nâng cao sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh: V. Tôn/Báo Tin tức
Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' là bản hùng ca vĩ đại của thế kỷ 20
Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' là bản hùng ca vĩ đại của thế kỷ 20

Sáng 26/12 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, TP Hà Nội phối hợp với Bộ Quốc phòng trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN