Dự lễ kỷ niệm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong và thân nhân các gia đình liệt sỹ, thương binh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình hoan nghênh và biểu dương Báo Nhân Dân, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức một hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sỹ, 52 năm Chiến thắng Đồng Lộc, thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn sâu nặng, ghi nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, đồng thời cũng là hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ tới hàng trăm cựu Thanh niên xung phong và thân nhân gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn hiện sống trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và cả nước.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020) năm nay cũng là năm thứ 3 cả nước thực hiện Chỉ thị số 14 – CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Với những mục tiêu cụ thể đặt ra trong Chỉ thị 14, thời gian qua việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cả nước quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, cả nước có gần 1,4 triệu người có công được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng, các chế độ ưu đãi đối với từng diện người có công với cách mạng được quy định đầy đủ, kịp thời bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống xã hội. Hằng năm, ngân sách nhà nước còn dành hàng chục nghìn tỷ đồng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng,…
Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 tất cả các gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú mà Chỉ thị 14 đã đặt ra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng.
Các cấp tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đối với công tác người có công; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng… Đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công với cách mạng
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định, Đồng Lộc chính là "một mốc son chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác" đã, đang và mãi mãi là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh, quân và dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục tăng trưởng cao, giai đoạn 2017 - 2019 đạt gần 14%; thu ngân sách đạt tăng hằng năm trên 15%, sáu tháng đầu năm 2020 đạt 6.500 tỷ đồng. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến nay, toàn tỉnh có 86% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã đạt chuẩn nâng cao; 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đang triển khai xây dựng thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, then chốt và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao nhiều suất quà có ý nghĩa thiết thực cho gia đình thân nhân 10 nữ liệt sỹ, gia đình các thương bệnh binh, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ học bổng Hồng Lam (Hà Tĩnh) và Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Đồng Lộc” do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thực hiện đã tái hiện sự hy sinh anh dũng của các Thanh niên xung phong trên tuyến lửa Đồng Lộc anh hùng, đồng thời để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi khán giả theo dõi chương trình.