Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:Phải tạo chuyển biến trong kiểm soát gà nhập lậu

Sáng 1/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành để nghe báo cáo đề án về công tác ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nhập lậu vào nước ta.


Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu chỉ rõ trách nhiệm của từng ban, ngành ở địa phương. Vấn đề đặt ra hiện nay và phải tập trung giải quyết chính là ở con người chứ không chỉ tập trung ngăn chặn con gà nhập lậu. Cùng với đó, cần nâng cao trách nhiệm của các tỉnh biên giới trong việc kiểm soát việc nhập lậu gia cầm vào Việt Nam. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền tại các khu vực biên giới để nhân dân ủng hộ và phát hiện ngăn chặn gà nhập lậu.


Phó Thủ tướng lưu ý Bộ NN&PTNT và các địa phương không nên xử lý cho gà nhập lậu được phép phát mãi sau 15 ngày nếu không phát hiện dịch bệnh như hiện nay mà tất cả gà nhập lậu nên thiêu hủy. Nguồn kinh phí để thiêu hủy gà nhập lậu sẽ được Trung ương đảm bảo cân đối theo quy định của Bộ Tài chính.


Bên cạnh việc triệt phá tình trạng buôn bán gà nhập lậu tại chợ đầu mối Hà Vĩ, Thường Tín, Hà Nội. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội có giải pháp để đảm bảo cung cấp đầy đủ gia cầm cho địa bàn Hà Nội, tránh làm rối loạn thị trường và nguy cơ tăng giá dịp cuối năm. TP Hà Nội cần tập trung tuyên truyền về gia cầm nhập lậu đến các hộ gia đình.


Bộ Công Thương phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng chống buôn lậu gà qua biên giới. Bộ Công an đóng vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát gà nhập lậu trên tất cả các tuyến quốc lộ. Có các giải pháp triệt phá những đường dây buôn bán gà nhập lậu, tập trung mạnh trong thời gian cuối năm.


Trước ngày 30/11/2012, Bộ Công Thương hoàn thành Đề án nêu rõ các phương án ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây mất ATVSTP nhập lậu vào Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu yêu cầu phải tạo được chuyển biến ngay trong tháng 11 này việc kiểm soát gà nhập lậu.


Hiện nay, nổi cộm về tình trạng gà nhập lậu ở các tỉnh phía Bắc là chợ đầu mối Hà Vĩ. Những tháng đầu năm, chỉ tính riêng chợ Hà Vĩ, hàng ngày có khoảng 80 tấn gà nhập lậu được đưa về tiêu thụ (chiếm khoảng 80% thị trường Hà Nội). Do được kiểm soát chặt chẽ, các lực lượng chức năng đánh giá lượng gà nhập lậu về chợ này đến nay đã giảm hẳn nhưng vẫn còn từ 8-10 tấn/ngày.


Ngoài lượng lớn gà thải loại của Trung Quốc, hiện nay các đối tượng còn nhập lậu gà giống và trứng giống ở giai đoạn sắp nở không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y (chủ yếu là gà, vịt 1 tuần tuổi). Bên cạnh đó, còn có một số lượng lớn gà qua đường chính ngạch nhập về từ Hàn Quốc, đây là loại gà nhập về để chế biến thức ăn gia súc nhưng đã bị sử dụng sai mục đích. Phần lớn gà nhập lậu được sử dụng trong các đám cưới và khu vực bếp ăn tập thể.


Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành kiến nghị một số giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới để giảm thiểu gà nhập lậu là: cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tại các cấp chính quyền nhằm trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc.


Xây dựng đường dây nóng tiếp nhận thông tin kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về đấu tranh ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây mất ATVSTP; phân công đội quản lý thị trường phụ trách địa bàn có các điểm trung chuyển, tập kết, chợ đầu mối bán buôn, điểm tập trung giết mổ…


Chỉ đạo cơ quan công an, thú y phối hợp với các cơ quan có liên quan phát hiện giấy chứng nhận kiểm dịch khống, giấy chứng nhận kiểm dịch giả, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm, triệt để thậm chí phải xử lý hình sự việc buôn bán, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống trên thị trường.


Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN