Phó Thủ tướng: Bộ Y tế cần có giải pháp đột phá về tài chính, BHYT

Ngày 20/5, tại Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Y tế về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN


Cải cách thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập phân theo chức năng, nhiệm vụ hiện nay gồm: khám, chữa bệnh; dự phòng; giám định pháp y, pháp y tâm thần; kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, mỹ phẩm, vắc-xin, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế; truyền thông giáo dục sức khỏe; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; trung tâm y tế (một số trung tâm tuyến tỉnh, huyện thực hiện cả 2 chức năng là dự phòng và khám, chữa bệnh) và các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh là các đơn vị chuyên môn y tế thuộc trung tâm y tế huyện. Cụ thể, khối Trung ương quản lý 111 đơn vị; khối địa phương quản lý 2.017 đơn vị.

Theo quy định hiện nay, Bộ Y tế là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế: xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, các quy định, quy chế về chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện thống nhất trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi làm việc . Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Thời gian qua, ngành y tế đã cải cách thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, hoàn thành việc đơn giản hóa 221/225 thủ tục hành chính (đạt 98,22%); 100% các thủ tục hành chính công đã được cung cấp ở mức độ 2, trong đó 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đã ứng dụng chữ ký số và trả kết quả trực tuyến trong các dịch vụ công trực tuyến mức độ, công khai tất cả văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành lên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế đã áp dụng cơ chế hải quan một cửa quốc gia đối với thủ tục hành chính cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và nhập khẩu thuốc thành phẩm có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, rút ngắn đáng kể thời gian cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý (thời gian trung bình kiểm tra thường và kiểm tra chặt lần lượt đối với hồ sơ giấy là 9,3 và 11,9 ngày giảm xuống còn 5,5 - 6,5 ngày); hoàn thành việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa cơ sở khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm quản lý đầy đủ, chính xác thông tin về người bệnh và thuận lợi cho người bệnh trong khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế.

Bộ cũng đã tăng cường phân cấp cho đơn vị sự nghiệp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm đặc biệt đối với cơ quan trung ương (Bộ Y tế chỉ bổ nhiệm cấp trưởng, cấp phó và kế toán trưởng theo luật định, còn lại đã phân cấp cho các đơn vị); từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, tiến tới xoá bỏ "chế độ chủ quản" đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, tạo điều kiện để các đơn vị tự chủ tài chính, dành ngân sách hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội mà nhà nước có trách nhiệm đảm bảo.

Ngành y tế đã tạo môi trường phát triển, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế công lập hiện vẫn gặp một số hạn chế, bất cập như: Ngành y tế chưa xây dựng được mô hình quản trị tương tự như doanh nghiệp, gồm Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, thuê giám đốc điều hành, cơ chế công khai, minh bạch các hoạt động, tài chính của các đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên và đầu tư, tự chủ chi thường xuyên để tạo điều kiện, phát huy tối đa tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị.

Nhiều đơn vị chưa muốn tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà vẫn muốn được ngân sách nhà nước bao cấp nên chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo. Các địa phương chưa phân cấp, phân quyền trong việc tuyển dụng (nhiều địa phương việc tuyển dụng do Sở Nội vụ thực hiện chưa giao cho Sở Y tế hoặc thủ trưởng đơn vị...).

Việc giao quyền tự chủ toàn diện cho các đơn vị, người quyết định là thủ trưởng đơn vị cũng có xu hướng dễ dẫn đến “độc đoán, chuyên quyền” nếu không có cơ chế kiểm tra, kiểm soát và các quy định phải công khai, minh bạch các hoạt động cũng như tài chính của đơn vị.

Hiện nay, số lượng đơn vị sự nghiệp y tế công lập ở tuyến tỉnh, huyện còn nhiều, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, nhiều đơn vị quy mô nhỏ nên hoạt động rất hạn chế, lãng phí trong sử dụng cơ sở hạ tầng, nhân lực; mô hình quản lý chưa thống nhất giữa các địa phương.

Đặc biệt, năng lực quản lý, quản trị của Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, đặc biệt giám đốc bệnh viện còn hạn chế mặc dù chuyên môn giỏi (do tiêu chí, tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm chưa phù hợp, đào tạo kỹ năng, cập nhật kiến thức về quản lý, quản trị chưa được chú trọng mà chỉ chú trọng vào chuyên môn).

Trong khi đó, các Bộ, ngành Trung ương còn quản lý quá nhiều đơn vị, không có thời gian dành cho quản lý nhà nước (Bộ Y tế là 83 đơn vị) nên hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, chưa tập trung được nhiều cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, thanh tra, kiểm tra, giám sát còn hạn chế...

Nhiều giải pháp tổng thể

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến khẳng định: Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 85/2012/NĐ-CP để phù hợp với Nghị định 16/2015/NĐ-CP và đặc thù của ngành y tế, đổi mới quản lý các đơn vị y tế công lập theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho đơn vị; không cổ phần hóa các bệnh viện công hiện có mà thực hiện các mô hình quản trị tiên tiến tương tự như mô hình quản trị doanh nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống các bệnh viện công và bệnh viện tư hoạt động theo cơ chế không vì mục đích lợi nhuận.


Bộ đã quy hoạch để giảm bớt đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế; đặc biệt thời gian tới, chỉ giữ lại một số bệnh viện đầu ngành là cơ sở thực hành của các trường đại học y dược; Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Báo, trung tâm truyền thông; sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng thành Trung tâm kiểm soát bệnh dịch (CDC) trung ương và khu vực; các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, mỹ phẩm, vắc-xin, an toàn thực phẩm, trang thiết bị thành cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc (FDA) trung ương và vùng.

Đồng thời, ngành y tế tăng cường cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; xây dựng hành lang pháp lý để kiểm soát các hoạt động, tài chính khi giao quyền tự chủ toàn diện cho các đơn vị, tránh biến lợi ích của Nhà nước thành lợi ích cá nhân hoặc của một nhóm người, đặc biệt trong việc liên doanh liên kết, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, hợp tác giữa bệnh viện công và bệnh viện tư...

Bộ Y tế kiến nghị: được thực hiện thống nhất trong cả nước việc quản lý theo ngành ở địa phương như Sở Y tế quản lý thống nhất trên địa bàn cả chuyên môn, nhân lực, tài chính; đổi mới quản trị đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư tương tự như mô hình doanh nghiệp (có Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, được thuê giám đốc điều hành…); đổi mới đào tạo nhân lực để có nguồn nhân lực có chất lượng; tăng cường đào tạo đội ngũ quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; quản lý y tế tư nhân...

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Bộ Y tế với các số liệu tương đối đầy đủ, bám sát nội dung đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế hoàn chỉnh lại báo cáo; cập nhật số liệu mới hơn và số liệu đưa ra phục vụ mục đích đánh giá, phân tích theo chủ đề. Đặc biệt, Bộ phải có những kiến nghị, đề xuất cụ thể như về quản lý nhà nước thì tập trung vào nội dung gì; luật gì phải sửa, sửa cái gì, vì sao lại sửa.

Bộ cần xem xét lại kiến nghị hạn chế và tiến tới xoá bỏ đơn vị chủ quản vì đơn vị sự nghiệp khác với doanh nghiệp; đồng thời đánh giá kỹ về hiệu quả, chức năng của các trung tâm y tế và phòng khám; xem xét lại quá trình sắp xếp theo địa giới và khu vực.

Từ đó, Bộ cần đề xuất những giải pháp thực sự mạnh và đột phá; các chính sách y tế liên quan đến bảo hiểm y tế, thông tuyến, phân hạng cần rành mạnh... Tất cả những đổi mới về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính cũng nhằm mục tiêu là tăng cường năng lực, qui mô, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Thu Phương (TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Khởi nghiệp là dám đương đầu với rủi ro
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Khởi nghiệp là dám đương đầu với rủi ro

“Khởi nghiệp sáng tạo - Hiểu đúng, hành động đúng” là chủ đề của Diễn đàn Doanh nhân trẻ và Thanh niên khởi nghiệp do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) tổ chức chiều 19/5, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN