Tại hội nghị, bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang thông tin đến cử tri nội dung, kết quả làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo tổng hợp, giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Trao đổi với đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, các cử tri bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và nêu kiến nghị, phản ảnh vấn đề khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; công tác phòng, chống dịch COVID-19; trả lương hưu qua thẻ; chính sách cho người có công; góp ý sửa đổi Luật Đất đai năm 2013; vấn đề giao thông cho đồng bằng; dạy học trực tuyến cho học sinh; biên chế cán bộ ấp, khu vực...
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được lãnh đạo sở, ngành tỉnh trả lời, giải đáp theo thẩm quyền.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của cử tri thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành, Châu Thành A, Vị Thủy; đồng thời cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.
Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hậu Giang và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, hiện tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất được phục hồi; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 83% dự toán; các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai kịp thời, đúng quy định.
Về một số kiến nghị của cử tri đối với lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, trước ngày 1/1/2022, Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá, tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19; có giải pháp hiệu quả từng bước giảm sự chênh lệch chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện tuyến cuối ở một số địa bàn theo khu vực địa lý; tăng cường triển khai khám, chữa bệnh từ xa.
Về lĩnh vực giáo dục, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thông tin, hiện nay, đã cấp được trên 100.000/1 triệu máy tính cho học sinh, phấn đấu đến đầu năm 2022 sẽ cấp đủ và phủ sóng để học sinh vùng sâu, vùng xa học tập được thuận lợi. Đối với những ý kiến, kiến nghị cử tri tỉnh Hậu Giang về chế độ, chính sách và các giải pháp phòng, chống dịch, những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, ông Trần Thanh Mẫn cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận và sẽ phản ánh tới các cơ quan chức năng, tới Quốc hội. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương thì Hậu Giang chủ động giải quyết, đồng thời báo cáo để tổng hợp chung.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, thời gian tới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang trực tiếp cùng các ngành tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phục hồi nền kinh tế; đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm kiểm soát ngăn chặn dịch trong thời gian sớm nhất, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh. Ngành Y tế tiếp tục tuyên truyền tới người dân tiếp tục thực hiện 5K sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả.
Dịp này, Ban Cứu trợ Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hỗ trợ tỉnh Hậu Giang 1 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.