Phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chất lượng nguồn nhân lực đã nâng lên

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH nhấn mạnh trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực. 

Đối với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỉ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động toàn xã hội, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định, do vậy, chất lượng, trình độ đội ngũ nhìn chung đáp ứng tốt yêu cầu.

Đối với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng (tốc độ tăng bình quân khoảng 0,65%/năm trong giai đoạn 2021 - 2024), nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm trên 91% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế.

Chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Quy mô đào tạo đại học và nghề nghiệp nhìn chung ổn định trong giai đoạn giám sát. Cơ cấu ngành nghề, trình độ, lĩnh vực đào tạo đa dạng. Nhiều ngành mới được mở, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động. Năm 2024, cả nước có 243 cơ sở giáo dục đại học; có 932 ngành đào tạo trình độ đại học, 434 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 412 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học được quan tâm, đầu tư. Việc thực hiện tự chủ đại học được mở rộng, từng bước phát huy hiệu quả. Nguồn lực đầu tư được tăng cường, đa dạng hóa; hiệu quả sử dụng được nâng lên. 

Đào tạo nhân lực chất lượng cao bước đầu được quan tâm ở cả bậc phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với hệ thống trường chuyên, các chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư và cử nhân tài năng, chương trình hợp tác đào tạo và đào tạo có yếu tố nước ngoài... Trong đó, một số chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học quốc tế có uy tín, chất lượng đã được triển khai hiệu quả, tiết kiệm kinh phí đào tạo ở nước ngoài.

Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến tháng 10/2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức. Nhiều công chức, viên chức, người lao động được cấp học bổng, hỗ trợ đào tạo sau đại học ở trong nước và ngoài nước, hỗ trợ một lần khi thu hút nhân tài về địa phương. Một bộ phận nhân lực chất lượng cao có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đóng góp tích cực trong các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế.

Một số địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện thi tuyển công khai một số vị trí lãnh đạo, cho phép nhân sự ngoài hệ thống được thi tuyển, thí điểm trả lương cao cho giảng viên, bác sĩ giỏi, có cơ chế nội bộ linh hoạt về lương, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ khác để giữ người tài.   

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, đại diện Đoàn giám sát trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Những vấn đề đặt ra

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Chính phủ và một số bộ, ngành, các địa phương chưa ban hành văn bản tổng thể, định hướng chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao. Một số chiến lược, chương trình, đề án, trong đó có những văn bản quan trọng, có tính chiến lược chậm được ban hành, triển khai thực hiện còn hạn chế, kết quả chưa rõ nét. Chưa có quy định đầy đủ, toàn diện về nhân lực chất lượng cao, do đó, có khó khăn trong công tác xác định nhân tài, người có trình độ cao và việc hoạch định chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn... Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ sinh viên theo học các ngành kinh tế, tài chính, luật khá cao. Tỷ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm. Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là về kỹ năng, độ thích ứng và tính chuyên nghiệp. 

Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, cơ sở thực hành còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao. Một bộ phận nhà giáo còn hạn chế về năng lực, kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn. Việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ. Kết quả phân luồng giáo dục đạt thấp so với mục tiêu. Công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa thực sự hiệu quả. 

Cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục còn có bất cập. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo; tuy nhiên, cơ cấu chi đầu tư chiếm tỉ lệ nhỏ, giá trị tuyệt đối còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Chiến lược đầu tư phát triển giáo dục đại học chưa hiệu quả, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Các chính sách xã hội hóa giáo dục chưa đạt hiệu quả cao; kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Việc thực thi chính sách tự chủ đại học, trong đó có tự chủ tài chính còn bất cập.

Phát biểu cho ý kiến vào báo cáo giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, song còn chậm. Tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức còn khá cao, chiếm 64,6% lực lượng lao động, đa số thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, điều kiện lao động không bảo đảm. Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 đạt 28,3%. Cả nước còn khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo.

Việc phân bố nguồn nhân lực chất lượng cao còn mất cân đối, tập trung ở các đô thị lớn. Chất lượng lao động tuy có cải thiện nhưng tốc độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

Việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực ở khu vực công, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập còn có một số bất cập. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài sử dụng ngân sách nhà nước chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cơ chế đánh giá cán bộ chưa thực chất, tính định lượng chưa cao, chưa gắn với sản phẩm công việc cụ thể; thiếu cơ chế sàng lọc hiệu quả, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, uy tín thấp. Đối với lao động khu vực ngoài công lập, công tác quản lý người lao động còn hạn chế, hệ thống thông tin thị trường lao động chậm được cập nhật, chưa được kết nối, chia sẻ thông tin.  

Cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài chậm đổi mới. Chính sách tuyển dụng, thu nhập, tạo môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn. Cơ cấu, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa hợp lý. Đang thiếu hụt chuyên gia đầu ngành, tổng công trình sư trong các lĩnh vực quan trọng, nhất là công nghệ mới, công nghệ cao, có đủ năng lực dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế phát triển bứt phá. 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cần có một quỹ về đào tạo và thu hút nhân tài

Phát biểu tiếp thu ý kiến của Ủy ban TVQH, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng, điều trọng nhất, làm thế nào để sau đợt giám sát này chúng ta có được cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế, chúng ta chưa quy định thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao, được đánh giá trên bằng cấp hay khả năng thực hành - trình độ chuyên môn. 

“Vì vậy, cần làm rõ khái niệm và phạm vi của nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta mới đi vào được những vấn đề trọng yếu khác và có giải pháp”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, vấn đề quan trọng là làm thế nào để đào tạo và sử dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. 

“Nên chăng, chúng ta phải có một quỹ về đào tạo và thu hút nhân tài. Những việc này khi Chính phủ nghiên cứu trình cần có sự đồng thuận của Quốc hội”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ. Cũng theo Phó Thủ tướng, để thu hút và sử dụng, phải có cơ chế chính sách cho nhân lực chất lượng cao. Thu hút vào cơ quan nhà nước hay cả cho doanh nghiệp, việc này cũng phải làm rõ. Khi thu hút thì chính sách nhà ở, biên chế, thu nhập, sử dụng và đề bạt thế nào. Ví dụ, thu hút vào cơ quan nhà nước thì có chính sách về biên chế không, họ được vào biên chế ngay không, hay phải hợp đồng. Những vấn đề này cần phải cân nhắc.

“Trước mắt, đối với cán bộ công nghệ thông tin ở cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ trong cơ quan nhà nước, cần có cơ chế đặc thù về thu hút nhân tài (hưởng 200% lương) thì chúng ta mới giữ được nhân tài. Nếu không giữ được thì vận hành theo dạng số hóa rất khó khăn và sau đó bị rối”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay, đồng thời nêu rõ, khi lập quỹ thu hút nhân tài trên cơ sở khuyến khích doanh nghiệp tài trợ, theo dõi sử dụng quỹ và có sự đánh giá.

Viết Tôn/Báo Tin tức và Dân tộc
Khai mạc Phiên họp 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc Phiên họp 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/7, tại Nhà Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN