Theo đại diện Thương vụ Đại sứ quán tại Áo, quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Áo được phát triển từ những năm 1970 và từ năm 2007 đến nay, thương mại song phương liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 12%/năm với cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam. Nếu năm 2009, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Áo mới chỉ đạt 256,8 triệu USD, thì đến năm 2019 đã đạt tới hơn 3,6 tỷ USD. Với việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, kim ngạch thương mại hai chiều dù giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng vẫn tăng gấp gần 12 lần so với thời điểm 10 năm trước. Năm 2022, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thương mại hai chiều đạt 2,79 tỷ USD, giảm 0,2% so với năm 2021. Áo hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và thứ 9 ở châu Âu, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Áo trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Áo, sản phẩm điện thoại di động và phụ tùng chiếm 80 - 90% giá trị, tiếp đến là dệt may, da giày và các sản phẩm máy móc, sắt thép. Việt Nam nhập khẩu từ Áo chủ yếu là máy móc, thiết bị, chiếm 30 - 40 % tổng giá trị, tiếp đến là các sản phẩm dược phẩm, nguyên liệu dược, xơ, sợi dệt các loại, linh kiện máy tính. Những năm gần đây, mặt hàng thủy tinh trở thành nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Áo sang Việt Nam.
Đại diện Thương vụ tại Áo cho biết trong nhiều thập kỷ qua, các công ty Áo đã tích cực tham gia vào các dự án thủy điện lớn tại Việt Nam, trong đó có sự tham gia chủ chốt của Công ty Andritz Hydro. Hiện hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam và Áo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực máy móc và phương tiện vận tải, cáp treo, chủ yếu theo hình thức đơn hàng từ các công ty tư nhân của Việt Nam. Điển hình là các dự án thiết kế ô tô giữa VinFast với AVL List và Magna Steyr, các dự án cáp treo của Doppelmayr, xe cứu hỏa của Rosenbauer, cần cẩu của Palfinger,… Theo bà Hoàng Yến, trong thời gian tới, lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Áo có thể là công nghiệp 4.0, công nghiệp ô tô, công nghiệp nông nghiệp, công nghiệp môi trường, năng lượng xanh, y tế, lâm nghiệp và chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, đào tạo nghề và du lịch.
Trong các nước EU, Áo có thế mạnh nghiên cứu trong các lĩnh vực ô tô, năng lượng, môi trường, xây dựng giao thông vận tải, công nghệ mới, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin-truyền thông. Trong năm 2022, Áo đứng thứ 41/108 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 6 dự án đầu tư mới. Với những cải thiện về môi trường đầu tư ở Việt Nam cũng như chiến lược hướng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Áo, các doanh nghiệp lớn của Áo đang tích cực tìm kiếm đầu tư vào những dự án quan trọng ở Việt Nam. Áo cũng là nước cung cấp ODA cho Việt Nam, tài trợ cho Việt Nam trên 3 lĩnh vực chính là đường sắt, y tế và giáo dục và một số ngành khác như xử lý rác thải, quản lý nước và xử lý nước thải, thủy lợi. Hiện nay, Áo đang thiếu nhân lực trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế. Bà Hoàng Yến cho rằng hai bên có thể hợp tác về lao động trong lĩnh vực điều dưỡng và công nghệ thông tin để thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác Thương mại điện tử và Công nghiệp 4.0 đã được ký giữa Bộ Công Thương và Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số Áo.
Ngoài ra, do đặc điểm Áo là một nước không có biển, thị trường sâu nội địa, chi phí vận chuyển cao, xuất nhập khẩu chủ yếu thông qua trung gian. Cùng với quy mô thị trường nhỏ, hiện nay, Áo ít được doanh nghiệp Việt Nam chú ý, trong khi cộng đồng người Việt ở Áo nhỏ, không có doanh nghiệp lớn. Do vậy, theo đại diện Thương vụ tại Áo, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, phổ biến thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích của EVFTA để tận dụng thế mạnh của cả hai bên trong giai đoạn tới, đặc biệt là hàng dệt may và hàng nông sản của Việt Nam.