Nhân dịp năm mới 2017, xin ông đánh giá về những thành tựu, dấu ấn của MTTQ năm 2016?
Về hoạt động thực tiễn, ấn tượng rõ nét nhất của MTTQ là góp phần làm rõ vị trí của Đại đoàn kết trong sự nghiệp phát triển của dân tộc giai đoạn hiện nay. Nói về đại đoàn kết có thể nhắc đến 3 trụ cột: Đầu tiên, nếu bất cứ người Việt Nam nào yêu Tổ quốc, thương người dân thì đều có tiếng nói chung. Trụ cột thứ hai là làm thế nào để nhân dân hiểu, đồng tình với đường lối phát triển đất nước, quyết tâm góp sức làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Thứ ba, phát huy được sáng kiến, quyết tâm của các tầng lớp nhân dân, đóng góp sức lực vào việc cải thiện đời sống, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc thông qua MTTQ Việt Nam và sự hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên.
Thực tiễn 3 năm nay, MTTQ luôn nỗ lực khẳng định vị trí, vai trò, phương thức của đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay với rất nhiều hoạt động cụ thể, sự kiện lớn diễn ra trong năm 2016.
Năm 2016, MTTQ Việt Nam động viên toàn thể nhân dân thực hiện tốt cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cấp đã nỗ lực cao, hoàn thành nhiệm vụ được Hiến pháp giao cho, đó là: vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia bầu cử, bầu ra người lãnh đạo các cấp - những người đại diện nhân dân, lo cho đất nước, lo cho nhân dân. Cùng đó, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam là hiệp thương trong quá trình bầu cử, giới thiệu những người đủ tài, đủ đức cho nhân dân lựa chọn; giám sát quá trình bầu cử, đảm bảo đúng tuân thủ pháp luật. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có kết quả rất cao - đó là công sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có MTTQ Việt Nam.
Từ kinh nghiệm 15 năm thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư'' và kinh nghiệm 20 năm thực hiện Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo'', MTTQ Việt Nam đã thảo luận để hình thành Đề án Cuộc vận động cho giai đoạn mới. Đó là Cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh'', tiếp tục kế thừa những thành tựu, điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn mới. Bởi, nói đến xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhưng Cuộc vận động này dựa vào các cấp khu dân cư lâu nay Mặt trận đã làm. Đặc thù của hoạt động này chính là kết hợp kinh nghiệm, mô hình đã triển khai với tầm cao mới. Đồng thời, Cuộc vận động này được thực hiện trên tinh thần có sự hiệp thương chặt chẽ giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên. Phương châm của Cuộc vận động là: không để hộ chính sách nào không có một tổ chức Mặt trận hỗ trợ, giám sát. Đây là cuộc vận động đã được báo cáo với Trung ương Đảng và ngày 15/12/2016, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trước đó, ngày 3/10, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ đã ký Nghị quyết liên tịch “về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cuộc vận động này được chuẩn bị bài bản, có chiều sâu, thu hút tất cả các nguồn lực của nhân dân cũng như kết hợp giữa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là sự kiện lớn thứ hai mà Mặt trận triển khai trong năm qua.
Năm qua, đất nước hứng chịu quá nhiều thiên tai. Đầu năm là rét hại ở miền Bắc, giữa năm là tai nạn môi trường biển ở miền Trung, sau đó hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và Nam bộ, bây giờ là lũ lụt kép dài ở miền Trung… Trong bối cảnh đó, Mặt trận các cấp cũng như các tổ chức thành viên đã có những hoạt động kịp thời. Ngay khi xảy ra sự cố môi trường biển ở miền Trung, MTTQ đã cùng 7 tổ chức ký Chương trình phối hợp trong vòng hai tháng để vận động cứu trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng. Nhờ sự vào cuộc của các tổ chức, tinh thần đoàn kết, ''tương thân tương ái'' của nhân dân, đã có gần 1,2 triệu hộ dân được hỗ trợ - gấp 5 lần chỉ tiêu Chương trình đặt ra ban đầu; số tiền hỗ trợ cũng lên tới 214 tỷ đồng. Hiện, MTTQ Việt Nam đang kêu gọi sự ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng của lũ lụt.
Bên cạnh những hoạt động trên, năm 2016, Mặt trận tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát lớn đã triển khai trong các năm trước, đặc biệt là triển khai hoạt động giám sát mới bắt đầu từ Chương trình phối hợp với Chính phủ từ tháng 3/2016, đó là giám sát về đảm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Ngoài ra, trong từng giai đoạn, tùy thuộc vào vấn đề mà nhân dân quan tâm, MTTQ sẽ có các hoạt động giám sát khác như giám sát về ô nhiễm môi trường do nguy cơ các nhà máy nhiệt điện phát sinh ra; tiếp tục khảo sát để đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước....
Cuối cùng, nhắc đến đại đoàn kết là phải nhắc đến một bộ phận công dân Việt Nam đang ở nước ngoài. Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, năm 2015 đã có 500 nghìn người về thăm đất nước. Sắp tới, Mặt trận sẽ đẩy mạnh việc huy động đóng góp của trí tuệ kiều bào cho sự phát triển đất nước. Có thể nói trên trục cũ là đại đoàn kết, MTTQ Việt Nam đã tạo ra những điểm mới đó là các cơ chế mới, hình thái mới, đáp ứng điều kiện phát triển hiện nay.
Trong năm qua, vấn đề tôn giáo và sắc tộc ở trên thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công dân tự hào được sống trong môi trường tôn giáo hòa bình và ổn định. Ông chia sẻ gì về vai trò của MTTQ Việt Nam đi đầu trong việc đảm bảo sự kết nối, đoàn kết các tôn giáo ở Việt Nam?
Trong suốt chiều dài lịch sử, dù nguồn gốc tôn giáo khác nhau nhưng người Việt Nam theo tôn giáo nào cũng là người Việt Nam yêu nước. Tất cả các tôn giáo đang hoạt động ở Việt Nam không tôn giáo nào đi ngược lại giáo ý yêu nước, thương dân, đây là cái nền rất quan trọng. Công tác tôn giáo của nước ta ngày càng được quốc tế thừa nhận, đó là những thành tựu, quá trình lâu dài từ khi có Đảng, thống nhất đất nước đến nay. Đây cũng là lĩnh vực MTTQ các cấp rất quan tâm. Trong bộ máy của MTTQ và HĐND các cấp có rất nhiều đại diện tôn giáo tham gia.
Năm 2016 có thể nhắc đến hai sự kiện quan trọng. Đầu tiên là cuối năm 2015, lần đầu tiên, MTTQ Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp với Bộ Tài Nguyên - Môi trường và 40 tổ chức tôn giáo được công nhận về việc phối hợp bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu. 40 tổ chức tôn giáo có nhiều điểm khác nhau nhưng đã có sự đồng thuận trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, điều này thể hiện rõ tinh thần Đại đoàn kết dân tộc. Thứ hai, các tổ chức tôn giáo đã tích cực đóng góp ý kiến để xây dựng Luật tín ngưỡng tôn giáo trình Quốc hội thông qua. Đây là sự kiện rất quan trọng. Luật tín ngưỡng, tôn giáo là nền tảng cho tôn giáo hoạt động tốt.
Về cơ bản, công tác tôn giáo đã được thực hiện tốt, tuy nhiên, còn có một số nơi, chính quyền địa phương chưa chia sẻ được hết nhu cầu của các tôn giáo, điều này đòi hỏi cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Sắp tới, MTTQ Việt Nam sẽ tổng kết việc các tôn giáo tham gia vào việc duy trì các cơ sở từ thiện, chăm lo cho người nghèo, HIV, trẻ mồ côi. Có thể nói, nếu đồng bào có đạo ở Việt Nam hạnh phúc, Đảng và MTTQ Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ của mình .
Năm 2016, MTTQ Việt Nam đã phát động Cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh''. Xin ông cho biết những nội dung nào sẽ được MTTQ triển khai để tiếp tục thúc đẩy Cuộc vận động hiệu quả trong năm 2017?
Cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh'' đã có Chỉ thị của Ban Bí thư, có chương trình phối hợp với Chính phủ và chương trình hiệp thương của MTTQ với các tổ chức thành viên. Hiện nay phần ''khung'' của Cuộc vận động đã xong, MTTQ đang triển khai, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Xây dựng ban hành các tiêu chí liên quan đến nông thôn mới, đô thị văn minh... để năm 2017 tổ chức triển khai.
Vấn đề đặt ra là phải có sự phân công việc hỗ trợ người dân thoát nghèo , trong phát triển kinh tế cũng cần tính đến việc xây dựng Hợp tác xã, bởi chừng nào vẫn còn hộ cá thể lâu dài thì không thể tăng năng suất, khó bền vững trong cơ chế thị trường cạnh tranh quốc tế. Muốn thu nhập cao hơn, bền vững hơn thì về lâu dài phải vào Hợp tác xã. Hiện, tỷ lệ Hợp tác xã ở mỗi xã còn rất ít (khoảng 1-2 cơ sở), thu hút được khoảng 10 – 20% nông dân, còn 80% người nông dân đứng ngoài. Như vậy cần làm rõ vấn đề: nơi nào xây dựng nông thôn mới, mới hình thành tổ hợp tác thì phải khẩn trương thành lập Hợp tác xã. Nơi nào có một Hợp tác xã rồi cần phát triển thêm nhiều Hợp tác xã nữa để thu hút phần lớn nông dân tham gia.
Ngoài ra, không thể có xã nông thôn mới mà hộ nông dân sản xuất lại không an toàn. Bởi vậy, Cuộc vận động có nội dung cụ thể là đăng ký gia đình văn hóa phải là gia đình sản xuất an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề rất mới, nếu làm nghiêm vấn đề này, thời gian trước mắt, tỷ lệ hộ văn hóa có thể sẽ giảm đi, nhưng quan trọng là phải làm thực chất để nâng tầm chất lượng Cuộc vận động và mục tiêu cuối cùng là nâng tầm chất lượng từ mỗi bữa ăn đến cuộc sống của mọi người dân.
Hiện chuỗi liên kết ngành đang thực sự khó khăn cho việc phát triển Hợp tác xã kiểu mới. Vậy cần giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông ?
Liên kết Hợp tác xã là để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong hội nhập quốc tế. Luật Hợp tác xã ra đời từ năm 2012 nhưng đến nay những mục tiêu đặt ra chưa hoàn thành. Vì vậy, để kinh tế hợp tác thực sự phát triển, cần thống nhất ý thức Hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 - đây là con đường tất yếu không thể tránh khỏi của nông nghiệp Việt Nam.
Mô hình là rất quan trọng và không phải Hợp tác xã nào cũng đủ sức làm liên kết với doanh nghiệp. Hiện, ở Việt Nam đã có một số mô hình Hợp tác xã. Nếu Hợp tác xã đủ mạnh, họ sẽ trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp mua đầu vào, bán đầu ra. Ngoài ra, mô hình nước ngoài làm rất nhiều đó là các Hợp tác xã cùng ngành, nghề liên kết với nhau lập ra Liên hiệp Hợp tác xã để mua chung một đầu vào và lo đầu ra cho tất cả các Hợp tác xã thành viên. Với phương thức này, Hợp tác xã không trực tiếp liên kết với doanh nghiệp mà thông qua Liên hiệp Hợp tác xã. Mô hình này được dự báo sẽ là mô hình đa số nhưng ở Việt Nam ra đời muộn nhất. Cách đây 3 tháng, Liên hiệp Hợp tác xã đầu tiên cấp quốc gia đã ra đời, gọi là Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ. Đến nay, đã có trên dưới 10 cửa hàng để tiêu thụ sản phẩm sạch của Liên hiệp và có hơn 10 Hợp tác xã sáng lập viên ban đầu. Hiện, mô hình này đang tiếp tục mở rộng. Tiếp đến là mô hình các hộ dân không phải là xã viên Hợp tác xã nhưng họ thực hiện hợp đồng sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nhưng mô hình này sẽ không bao phủ được đa số nông dân, bởi vì nông dân của nước ta rất nhiều (12 triệu hộ), trong khi đó số doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp các hộ nông dân cá thế còn hạn chế. So với các hình thức trên, trong mô hình này từng hộ nông dân sẽ rất yếu thế so với doanh nghiệp và thường không có quyền đàm phán giá cả. Như vậy, nói đến Hợp tác là phát huy sức mạnh tập thể về kinh tế hộ chứ không phải chỉ có Hợp tác xã đơn thuần và trong tương lai sẽ có các bước phát triển khác cao hơn.
Trong năm mới 2017, MTTQ sẽ có những nội dung nào để thúc đẩy hơn nữa khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng cả nước phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ hơn, thưa ông?
Sứ mạng của của MTTQ Việt Nam các thời kỳ là trên trục đại đoàn kết, trên đồng thuận vì nước, vì dân, đồng hành, tin tưởng vào đường lối của Đảng, đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động của nhân dân hoàn thành sứ mệnh đại đoàn kết. MTTQ đã đề ra nhiều chương trình, trong đó, tập trung vào việc tiếp thu, phát huy những mô hình, phương thức đã làm trong thời gian qua, đặt mạnh yêu cầu chủ động, đổi mới của Mặt trận và các tổ chức thành viên, bám sát Nghị quyết mới của Đảng để phát huy đại đoàn kết. MTTQ Việt Nam và các tổ chức lắng nghe nhân dân, chịu sự giám sát, đánh giá của nhân dân.
Trân trọng cảm ơn Ông !