Hội nghị tạo ra cơ hội đối thoại giữa đại diện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan trong nước, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và phát huy nguồn lực của kiều bào trong quá trình phát triển đất nước.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài toàn diện và hiệu quả
Bày tỏ vui mừng khi gặp mặt các kiều bào, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, công tác đối người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng toàn diện, thực chất và hiệu quả. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển, gia tăng về số lượng và mở rộng về địa bàn, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Đảng, Nhà nước luôn trân trọng và đánh giá cao sự đóng góp quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đồng hành, đóng góp để đất nước phát triển mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi khẳng định, những thành tựu của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có được trước hết là nhờ vào sự nỗ lực bền bỉ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những “con Lạc cháu Hồng” mang trong mình phẩm chất tốt đẹp, cần cù, chăm chỉ, khéo léo, ham học hỏi, không ngại khó khăn, luôn hướng về quê hương, đất nước.
Cùng với niềm tin, niềm tự hào về thành tựu đối nội và đối ngoại của đất nước, trong những năm qua, các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành và thực hiện đúng đắn, kịp thời là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hiệu quả.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, công tác người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn một số bất cập, hạn chế như chậm triển khai một số chính sách, quy định pháp luật liên quan đến kiều bào; chưa đẩy mạnh thu hút nguồn lực; chưa đổi mới công tác dạy và học tiếng Việt; công tác thông tin đối ngoại, chương trình văn hóa phục vụ cộng đồng chưa phong phú, sáng tạo, chưa phù hợp tình hình mới…
Năm 2020 là năm bản lề tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với mục tiêu nêu trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội: đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghệ theo hướng hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu đó, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi nêu rõ, cần có sự chung sức và nỗ lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn thể dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm tận dụng tốt những cơ hội, xử lý những thách thức đặt ra với đất nước.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi đề nghị các đại biểu kiều bào trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến thiết thực đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cũng như vấn đề phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, góp ý về đường lối, chủ trương, chính sách lớn của đất nước được đưa ra trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Đánh giá cao những kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, ông Mai Xuân Hùng, kiều bào Thái Lan, Trợ lý Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái-Việt đề nghị, Bộ Ngoại giao tiếp tục tham mưu, kiến nghị, đề xuất các chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho bà con sinh sống ổn định và đóng góp có hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa liên quan đến quốc tịch, nhà ở, chính sách thu hút nguồn lực và tri thức… để các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn với với quê hương.
Bên cạnh đó, ông Mai Xuân Hùng đề nghị đẩy mạnh công tác thông tin tuyền truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở trong nước, các chính sách về thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn… đến bà con kiều bào xa quê hương. “Đặc biệt, các nhóm, cá nhân, chuyên gia trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức các sự kiện hợp tác, kết nối, xúc tiến thương mại, nghiên cứu khoa học với các cơ quan liên quan, địa phương trong nước”, kiều bào Thái Lan nêu rõ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy, kiều bào Hàn Quốc cho biết, thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, tổ chức nhiều diễn đàn, mạng lưới để thúc đẩy và phát triển kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước. Trong đó, nhóm nhân sĩ, trí thức, doanh nhân trẻ tích cực về nước tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội kết nối thương mại, chuyển giao trí thức, đầu tư kinh doanh...
Để phát huy năng lực và nâng cao hiệu quả, thúc đẩy vai trò doanh nhân kiều bào kết nối thương mại, đầu tư trong tình hình mới, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, cần tuyên truyền, vận động để mỗi người Việt Nam ở nước ngoài là “một đại sứ”. Qua đó, mỗi người Việt Nam xa quê hương có tinh thần, trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thành tựu phát triển của đất nước, từ đó, lan tỏa, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, gắn bó, hướng về quê hương, chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn thịnh.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Việt Triều, kiều bào Ba Lan cho biết, đến nay, hàng chục điểm trường, lớp tiếng Việt được nhà nước tài trợ các hội đoàn xây dựng, vận hành, quản lý; hàng trăm giáo viên được hỗ trợ lương, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm... Tiếng Việt đã được công nhận và giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai ở các trường phổ thông tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ có đông người Việt.
Nhấn mạnh sức mạnh của ngôn ngữ, bà Nguyễn Việt Triều đề xuất các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quan tâm đến vấn đề dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.