Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ kỷ niệm:
“Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động!
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bến Tre!
Thưa quý vị đại biểu và đồng bào, đồng chí!
Trong không khí cả nước thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng đất nước phát triển với những thành tựu quan trọng đã đạt được trong năm 2022; hôm nay, tại tỉnh Bến Tre - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng đang từng ngày vươn mình đổi mới, chúng ta trọng thể tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát - nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam; một nhà trí thức giàu lòng yêu nước, một kiến trúc sư tài năng, có uy tín lớn; tấm gương tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc; người cộng sản kiên trung, mẫu mực, suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Thưa các đồng chí, đồng bào!
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15 tháng 2 năm 1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Kế thừa truyền thống cách mạng giàu lòng yêu nước của quê hương và gia đình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, giác ngộ lý tưởng của Đảng và đi theo con đường cách mạng vô sản.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (9/1938), kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã hăng hái tham gia phong trào yêu nước cách mạng của giới trí thức và các tầng lớp nhân dân trong cao trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Cùng với những hoạt động đầy nhiệt huyết trong Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ và phong trào Đông Dương Đại hội, Huỳnh Tấn Phát còn viết nhiều bài báo ủng hộ cách mạng trên tờ “Tranh đấu”, “Lao động”… Đồng chí còn làm Chủ nhiệm tuần báo “Thanh niên Tiền phong”; Trưởng Ban cổ động Hội Truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ; Trưởng Ban cổ động của phong trào “Cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ” năm 1945. Văn phòng của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tại Sài Gòn đã trở thành nơi tổ chức những lớp huấn luyện bí mật về chủ nghĩa Mác-Lênin cho một số thanh niên trí thức, góp phần giúp Xứ ủy Nam Kỳ đào tạo đội ngũ cốt cán của phong trào cách mạng. Với sự trưởng thành cả về nhận thức và hành động cách mạng, ngày 5/3/1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Xứ ủy Nam Kỳ kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong những ngày toàn dân ta bừng bừng khí thế giành độc lập dân tộc Tháng Tám năm 1945, người chiến sĩ cộng sản Huỳnh Tấn Phát đã hăng hái tham gia Tổng khởi nghĩa thắng lợi giành chính quyền về tay nhân dân ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn gắn bó với vùng đất Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc. Trên cương vị Phụ trách công tác trí vận và là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, đồng chí đã chỉ đạo thành lập cơ sở mới của Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ, xây dựng và phát triển Đài trở thành công cụ tuyên truyền sắc bén của Đảng, cổ vũ đồng bào miền Nam anh hùng kháng chiến chống quân xâm lược. Đồng chí đã tổ chức in, phát hành báo “Tiến lên” - cơ quan tuyên truyền của Ban Tuyên truyền Sài Gòn - Chợ Lớn; mở rộng mặt trận đoàn kết; xây dựng, phát triển các tổ chức quần chúng và lực lượng cách mạng trong nội đô. Từ giữa năm 1950, tham gia Ban Chấp hành Đặc Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, được Khu ủy cử làm Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc Khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng Đài trở thành “tiếng nói đoàn kết, tiếng nói đấu tranh của nhân dân Đô thành anh dũng”, là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1954.
Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh (1954 - 1975), trong mỗi thắng lợi của cách mạng miền Nam đều có dấu ấn quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Từ chiến khu D trở về Sài Gòn, cuối năm 1956, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1959, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định hợp nhất thành Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí được cử làm Khu ủy viên phụ trách công tác trí vận của Khu ủy.
Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi cuối năm 1960, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đầu năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch. Trên các cương vị, trọng trách đó, đồng chí đã góp phần to lớn trong việc đoàn kết lực lượng và các cá nhân yêu nước trên toàn miền Nam dưới ngọn cờ chung, đồng thời xây dựng Mặt trận trở thành một hình thức chính quyền độc đáo của Nam Bộ thực hiện chức năng quản lý các vùng mới giải phóng. Nhờ đó, uy thế của Mặt trận ngày càng phát triển cả ở trong nước và ngoài nước. Đồng chí còn đóng vai trò quan trọng trong vận động, tổ chức một số nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ở Sài Gòn ra khu giải phóng để thành lập Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (4/1968), góp phần mở rộng hơn nữa khối đoàn kết toàn dân tộc, mang lại cho cách mạng miền Nam nguồn sức mạnh to lớn chống đế quốc Mỹ và tay sai.
Trước sự phát triển toàn diện và yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã tích cực tham gia vào quá trình thành lập một chính phủ hợp pháp, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân miền Nam. Tháng 6/1969, tại Đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập và đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch. Trên cương vị Chủ tịch, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã lãnh đạo thực hiện chính sách hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ, nhằm thực hiện nhiệm vụ tối cao là đoàn kết nhân dân miền Nam đánh bại đế quốc Mỹ, lật đổ chính quyền tay sai phản động, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã cùng tập thể Chính phủ, Mặt trận chỉ đạo thực hiện các mũi tiến công mạnh mẽ về quân sự, chính trị, ngoại giao; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cùng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên bàn đàm phán 4 bên ở Hội nghị Paris, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai phải xuống thang, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện thuận lợi đi tới “đánh cho Ngụy nhào” và kết thúc thắng lợi hoàn toàn bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975.
Đất nước thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng nước ta, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có nhiều cống hiến vào thành công của quá trình thống nhất về mặt Nhà nước; tham gia lãnh đạo tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung thống nhất - Quốc hội Khóa VI. Với phẩm chất, tài năng, uy tín và nhiệt huyết cách mạng, đồng chí đã được Đảng và nhân dân ta tin tưởng giao nhiều trọng trách; ở cương vị nào đồng chí cũng đem hết trí tuệ, nhiệt huyết và tài năng để cống hiến. Đảm đương các trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ (1977 - 1982); Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (từ tháng 6/1982); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1982 - 1989), đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã thể hiện phẩm chất của một nhà lãnh đạo kiên trung, tài năng, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm. Cùng tập thể Chính phủ, Hội đồng Nhà nước, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã lãnh đạo, chỉ đạo từng bước thí điểm những đổi mới về quản lý kinh tế, góp phần xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, giúp Trung ương hoạch định và tổ chức triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của đất nước ta.
Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách quy hoạch đô thị, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong quá trình triển khai các đề án lớn của Chính phủ, như: Khai thác đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển thị trường khu vực Đông Nam Á; Phát triển công nghiệp và xuất nhập khẩu; Cải tạo và phát triển công thương nghiệp miền Nam; Mở rộng quan hệ kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật với nước ngoài; Vận động Việt kiều tham gia kiến thiết đất nước… Với uy tín, tài năng, đức độ của người kiến trúc sư tài ba, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao xét duyệt nhiều luận chứng kinh tế kỹ thuật, các công trình trọng điểm quốc gia, như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà ga Sân bay quốc tế Nội Bài, Quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh… Từ năm 1979, được Chính phủ tin tưởng giao làm Đại diện thường trực nước ta tại Hội đồng Tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (Khối SEV), đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những đóng góp quan trọng vào triển khai các chương trình tương trợ, hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong toàn khối.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát có nhiều đóng góp quan trọng vào hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt của đất nước, với nhiệm vụ trung tâm to lớn, cấp bách là thực hiện đường lối đổi mới, từng bước đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tầm nhìn chiến lược, trí tuệ, sâu sắc, đổi mới sáng tạo, đồng chí đã có đóng góp to lớn trong việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên đồng bào các dân tộc, tôn giáo, mọi ngành, mọi giới, cùng toàn thể nhân dân hăng hái triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Thưa các đồng chí, đồng bào!
Trong cuộc đời đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã hoạt động không ngừng nghỉ, phấn đấu hết sức mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, vì lý tưởng cộng sản cao đẹp. Cuộc đời của đồng chí Huỳnh Tấn Phát rực sáng những tình cảm sâu sắc và bao la đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Học tập, noi theo gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn phấn đấu không ngừng trên hành trình khát vọng: Tổ quốc được độc lập và thống nhất; nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc; nhân loại được sống trong hòa bình và hữu nghị.
Đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần suốt đời học tập, tu dưỡng, rèn luyện, vươn tới tầm cao của trí tuệ, trở thành một nhà trí thức cách mạng, một nhân cách lớn. Trong sinh hoạt và tác phong hàng ngày, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một mẫu hình giản dị, thanh tao, khiêm nhường; luôn cởi mở, chân tình và chia sẻ; mọi người có dịp gần gũi đều cảm nhận ở đồng chí dáng dấp của những người thân yêu nhất trong gia đình, vừa nghiêm khắc, vừa thân thiết, độ lượng và đầy tính nhân văn sâu sắc. Tình cảm chân thành, sâu sắc của đồng chí không chỉ dành cho đồng bào, đồng chí, mà còn sâu đậm, gần gũi, thắm thiết với Đảng bộ và nhân dân Bến Tre - quê hương nghĩa nặng tình sâu đã sản sinh, nuôi dưỡng, hình thành và hun đúc nên một nhân cách lớn Huỳnh Tấn Phát.
Là một kiến trúc sư nổi tiếng, Huỳnh Tấn Phát có nhiều điều kiện để sống một cuộc sống dư dả về vật chất và danh lợi. Nhưng Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã từ bỏ cuộc sống giàu sang cá nhân để đến với Đảng, với cách mạng, với nhân dân trong những ngày tháng cam go, khó khăn nhất và trong giai đoạn lịch sử hào hùng của cách mạng Việt Nam. Từ khi dấn thân vào con đường cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đức tính hy sinh trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân. Những cống hiến to lớn và tấm gương sáng ngời của đồng chí sẽ còn in đậm trong tâm khảm đồng bào, đồng chí, mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta trân trọng, ghi nhớ, biết ơn, học tập và noi gương.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cùng nhau ôn lại những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đúc kết những bài học bổ ích cho công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã để lại cho chúng ta bài học quý về lựa chọn lý tưởng sống, lựa chọn con đường đấu tranh cách mạng vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đó còn là bài học về tính kiên định và lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân; về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; về sự gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân; về không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Thưa các đồng chí, đồng bào!
Đất nước đã bước vào một năm mới, mùa Xuân mới với những vận hội mới và thời cơ mới. Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Noi gương đồng chí Huỳnh Tấn Phát và các vị tiền bối, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có Đảng bộ và nhân dân Bến Tre anh hùng nguyện đồng tâm nhất trí, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; không chủ quan, thoả mãn với những thành quả đã đạt được, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các Nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đó là những vấn đề có ý nghĩa quyết định nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và nâng cao uy tín của Đảng trước nhân dân, bảo đảm cho Đảng ta vươn lên ngang tầm nhiệm vụ mới, xứng danh một Đảng “là đạo đức, là văn minh”.
Thưa các đồng chí, đồng bào!
Tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát mãi mãi là niềm tự hào của đất nước chúng ta, luôn cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tiếp tục vững vàng, kiên định trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin thân ái gửi tới toàn thể đồng chí và đồng bào lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công, năm mới thắng lợi mới.
Xin trân trọng cảm ơn!”