Đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn
Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII) đã có Kết luận số 97-KL/TW, trong đó có nội dung tập trung xử lý, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, khơi thông nguồn lực từ những dự án “ách tắc” để đưa các nguồn lực đầu tư vào nền kinh tế. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
Các dự án này liên quan tất cả các lĩnh vực: đất đai, năng lượng tái tạo, bệnh viện… đã, đang đầu tư, có dự án đang đầu tư dang dở, có dự án đã đầu tư xong nhưng vì nhiều lý do khác nhau chưa tiếp tục, chưa được đưa vào phục vụ đời sống xã hội, gây bức xúc rất lớn cho người dân và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết, “có thể do quy định pháp luật chưa rõ, do nhận thức pháp luật, có thể do quá trình thực thi có những vi phạm nhất định nên dự án bị dừng lại. Những dự án này nguồn lực đầu tư vào rất nhiều”. Vì vậy, thực hiện kết luận của Trung ương, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, phải tháo gỡ nguồn lực này và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
“Một nguồn lực lớn của đất nước, đang đầu tư mà không đưa được vào đời sống dân sinh, đây là lãng phí rất lớn”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Phó Thủ tướng, sứ mệnh của Ban Chỉ đạo rất nặng nề, với nhiệm vụ là rà soát, đánh giá lại thực trạng của các dự án, tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, hoặc tiếp tục đầu tư, hoặc đưa dự án vào phục vụ đời sống. Không chỉ gỡ rối cho các dự án, mà từ các dự án này, Ban Chỉ đạo phải phát hiện ra các điểm nghẽn của luật pháp, những bất hợp lý trong quy định pháp luật, những nội dung chưa rõ, đang là khoảng trống mà luật chưa điều chỉnh để tham mưu cho cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần là một đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn.
Nhấn mạnh, giải quyết những việc đã rồi, bàn rất lâu, rất nhiều lần, nhiều năm mà chưa tháo gỡ được, có những dự án qua một số nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là việc không dễ. Để làm được việc khó khăn như vậy, điều rất quan trọng là phải nắm chắc và tuân thủ pháp luật, “tháo gỡ những điểm nghẽn của pháp luật không có cách nào khác là phải tuân thủ pháp luật, cần phải có bản lĩnh để đề xuất, để đối mặt với những vấn đề khó của thực tiễn”, “dám đương đầu và dám đề xuất”.
Bên cạnh đó, phải bám sát thực tiễn cuộc sống, “cuộc sống muôn hình, muôn vẻ, nếu cứng nhắc sẽ không tháo gỡ được, phải rất sát với thực tiễn”, Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng cho rằng, tham gia vào Ban Chỉ đạo, kiến thức kinh nghiệm là rất quan trọng, nhưng một việc khác quan trọng không kém là “phải hết sức chí công vô tư”, không vì một cá nhân, doanh nghiệp nào. Yêu cầu đặt ra đối với Ban Chỉ đạo là phải hết sức trong sáng, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, cái chung lên trên, như vậy tiếng nói mới khách quan. Các dự án này liên quan đến tất cả các địa phương và hầu hết các bộ, nên các địa phương đang chăm chú theo dõi, chờ đợi kết quả tham mưu của Ban Chỉ đạo.
Phân loại càng tốt thì chính sách càng sát
Trong khuôn khổ phiên họp đầu tiên, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe công bố quyết định của Thủ tướng về thành lập Ban Chỉ đạo, nghe dự thảo kế hoạch chương trình làm việc, tham gia vào quy chế, phân công nhiệm vụ, chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, cần phân loại các dự án, khu trú theo từng khu vực, phân loại càng tốt thì các chính sách càng sát, giải quyết từng việc một. Đồng thời phải nắm được thông tin phản ánh, tập hợp từ địa phương lên. Kết quả cuối cùng là việc tháo gỡ những vướng mắc của thực tiễn, đưa được các dự án vào nền kinh tế, đây chính là thước đo cho việc hoàn thành nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, nên tập trung vào các nhóm bất động sản, BT, năng lượng tái tạo, giao thông và thành lập các tổ công tác theo các nhóm này, Bộ nào liên quan trực tiếp chính là nơi xây dựng pháp luật, hướng dẫn thực hiện quy trình thủ tục. Ví dụ, các dự án năng lượng tái tạo, lãnh đạo Bộ Công Thương là thành viên Ban Chỉ đạo làm thường trực, dự án giao thông là lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.
Cho rằng, các tổ này không chỉ có người giúp việc ở trong bộ mà các bộ có liên quan cũng cần cử người tham gia tổ rà soát, như Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cử người liên quan đến lĩnh vực đất đai, Bộ Tài chính cử người rà soát vấn đề tài chính, Bố Kế hoạch và Đầu tư cử cán bộ rà soát trình tự thủ tục đầu tư... Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng, việc thành lập các nhóm này sẽ rất hiệu quả. Sau thời gian rà soát, trên cơ sở báo cáo để nhận diện vấn đề, các tổ sẽ đi khảo sát một số dự án.
Cũng theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, tháo gỡ là vấn đề lớn. Khi nhận diện rõ vấn đề, vai trò của Ban Chỉ đạo, mà cụ thể là đại diện các bộ, ngành lúc đó phải phát huy tối đa, phải lấy ý kiến chuyên gia, nhất là chuyên gia lĩnh vực pháp luật, pháp lý, thậm chí tham vấn cả ý kiến của nhà đầu tư, doanh nghiệp, VCCI để đưa ra phương án tháo gỡ.
Ông cũng nhận định “chắc chắn sau này phải có cơ chế đặc thù, khác với luật hoặc bổ sung luật, thừa nhận một số sai phạm có thể chấp nhận được”, bởi hầu hết các dự án là sai luật, nhất là liên quan đến đất đai, đã quy định cứng trong luật.