Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Dương gồm 14 thành viên. Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo. Ông Võ Văn Bá, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy là Phó Trưởng ban Thường trực, ngoài ra còn có các Phó trưởng Ban gồm: ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; bà Nguyễn Minh Thủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; ông Hồ Quang Điệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh.
Theo quyết định, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trưởng ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo quyết định ban hành quy chế làm việc; quy định về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Ban Chỉ đạo sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, khẩn trương tham mưu ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo quy định về công tác kiểm tra giám sát, phân công nhiệm vụ của các thành viên, xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh yêu cầu các thành viên tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở quy định của Trung ương và kinh nghiệm của tỉnh trong phương pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua; đồng thời, khẩn trương tham mưu ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, quy định về công tác kiểm tra giám sát, phân công nhiệm vụ của các thành viên, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trọng tâm năm 2022 của Ban Chỉ đạo.
Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xử lý nghiêm vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm đã xảy ra ở địa phương theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
“Trong quá trình chỉ đạo xử lý các vụ việc phải công tâm, khách quan, rõ đến đâu thì xử đến đấy và mạnh dạn bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái phát triển vì sự nghiệp chung. Qua đó, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm, siết chặt kỷ luật kỷ cương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.