Đó là chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 (OANA-44) trong cuộc trả lời phỏng vấn trước thềm Hội nghị OANA-44 do TTXVN đăng cai tại Hà Nội từ ngày 18-20/4/2019.
TTXVN là chủ nhà của Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44, bà có thể chia sẻ gì về công tác chuẩn bị cho sự kiện này?
Tại Hội nghị Ban Chấp hành các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 43 tại Tehran vào tháng 9/2018, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi đã chính thức đề xuất việc Việt Nam mong muốn trở thành chủ nhà của Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần này. TTXVN đưa ra đề xuất này trên cơ sở nhận được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ chỉ ít ngày trước khi Tổng Giám đốc lên đường tham dự Hội nghị. Đề xuất này của TTXVN đã nhận được sự đồng thuận của các thành viên Ban Chấp hành.
Ngay sau khi trở về từ Iran, Tổng Giám đốc TTXVN đã phân công và chỉ đạo việc thành lập Ban Tổ chức Hội nghị. Bốn Tiểu ban công tác do các Phó Tổng Giám đốc đứng đầu được thành lập vào trung tuần tháng 12 năm 2018. Nói một cách khác, TTXVN chuẩn bị tích cực cho Hội nghị về nội dung, về lễ tân hậu cần, về truyền thông và kỹ thuật trong 4 tháng vừa qua. Trong quá trình chuẩn bị, các Tiểu ban có sự phân công rõ ràng và sự phối hợp nhịp nhàng vì một mục tiêu chung, đó là hướng tới sự thành công của Hội nghị với dấu ấn Việt Nam về tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, tính thực tiễn và hiệu quả trong các cuộc thảo luận và mang tới đồng nghiệp quốc tế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, thân thiện và chủ động.
Đến thời điểm này, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở phát huy nội lực và được sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của Hãng thông tấn Azertac trên cương vị Chủ tịch OANA và các thành viên Ban Chấp hành, Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FLC, công tác chuẩn bị cho Hội nghị cơ bản đã hoàn thành.
Là người theo sát các hoạt động của OANA qua nhiều kỳ Hội nghị, bà có thể cho biết Hội nghị lần này tại Hà Nội có điểm gì mới và TTXVN đóng góp những nội dung gì tại Hội nghị lần này?
Tôi có may mắn được tham gia các nhóm trợ giúp cho hai kỳ họp Ban Chấp hành OANA lần thứ 20 và 27, lần lượt được tổ chức tại Hà Nội vào các năm 1999 và 2005. Sau này, khi làm công tác hợp tác quốc tế, tôi lại được tháp tùng lãnh đạo TTXVN tham dự một số kỳ họp của OANA tổ chức ở Seoul, Moskva, Kuala Lumpur và Baku. Đây cũng là một thuận lợi đối với tôi khi tham gia vào công tác tổ chức hội nghị lần này.
Kể từ khi được thành lập năm 1961, OANA triển khai hoạt động hợp tác trên một số lĩnh vực như trao đổi tin tức, hỗ trợ đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chuẩn mực về biên tập và đạo đức người làm báo. Trong quá trình hợp tác, các thành viên OANA luôn có sự điều chỉnh để hoạt động của tổ chức phù hợp với xu thế phát triển của báo chí. OANA hoạt động dựa trên Điều lệ của tổ chức với các cơ chế họp Ban Chấp hành (hàng năm) và Đại hội đồng (ba năm một lần). Tại các cuộc họp Ban Chấp hành, các hãng thành viên sẽ thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm giải quyết các vấn đề đặt ra cho báo chí đương đại và phương thức để các Hãng thông tấn làm tốt vai trò cung cấp thông tin cho hệ thống báo chí. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề mang tính nội bộ như tôn vinh các tác phẩm/dự án xuất sắc của các hãng thành viên, mở rộng hợp tác với các tổ chức báo chí của khu vực khác, hay thảo luận về khả năng hình thành các cơ chế hợp tác mới. Vì vậy, nội dung của các Hội nghị Ban Chấp hành OANA vừa mang tính kế thừa vừa phải có sự đổi mới.
Đơn cử như vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI), các thành viên trong Ban Chấp hành đã bàn ngay từ các cuộc họp trước, bắt đầu từ Hội nghị lần thứ 40 và đây cũng là vấn đề được tiếp tục đề cập đến tại Hội nghị lần này. Ở giai đoạn đầu, các hãng cùng nhau thảo luận những thay đổi mà AI có thể mang lại. Còn giờ đây, lãnh đạo các hãng sẽ cùng nhau chia sẻ những ứng dụng của AI trong hoạt động tác nghiệp. Tương tự như vậy đối với vấn đề tin giả, một vấn đề cũng đã được đề cập tại một số kỳ họp gần đây. Tuy nhiên, với sự lan tràn của tin giả và những tác động tiêu cực mà tin giả gây ra cho xã hội, lãnh đạo các Hãng thông tấn lần này sẽ cùng nhau đưa ra các biện pháp và công cụ giúp các cơ quan báo chí và công chúng thực hiện việc kiểm chứng thông tin. Song hành cùng với các nỗ lực thanh lọc thông tin, tại Hội nghị lần này, các diễn giả sẽ trình bày những ý tưởng mới nhằm giành lại niềm tin đối với báo chí chính thống. Đây cũng chính là nội dung đề xuất của TTXVN đối với Hội nghị lần này và Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Minh sẽ chủ trì một phiên thảo luận về vấn đề này.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị sẽ còn một phiên thảo luận khác về Chiến lược của các Hãng thông tấn để thích ứng trong bối cảnh công chúng thay đổi thói quen sử dụng thông tin, tập trung vào các nội dung video và nền tảng Youtube.
Tại sao TTXVN lựa chọn chủ đề bao trùm: “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo” cho Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44, thưa Phó Tổng Giám đốc?
Chủ đề “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo” do TTXVN đề xuất tại Hội nghị lần này là một vấn đề mang tính thời sự, một thách thức mà các hãng thông tấn đang phải đối mặt. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số và truyền thông là một trong các lĩnh vực chịu tác động lớn do công nghệ số mang lại. Hiện dân số thế giới là 7,7 tỷ người. Trong số đó, hơn 4 tỷ người sử dụng Internet. Điều này có nghĩa là đa số công chúng ngày nay tiếp cận thông tin qua Internet. Không chỉ có vậy, công chúng giờ đây cũng là những người cung cấp thông tin trên không gian mạng. Nói một cách khác, cuộc cạnh tranh thông tin không chỉ là cuộc đua giữa các cơ quan báo chí mà còn là cuộc đua giữa các cơ quan báo chí với khách hàng truyền thống của họ.
Để có thể chiến thắng trong cuộc đua này, các cơ quan báo chí cần phải duy trì tính chuyên nghiệp trong hoạt động của mình. Đảm bảo tính chuyên nghiệp sẽ giúp các cơ quan báo chí cho ra đời các sản phẩm thông tin kịp thời, khách quan, chuẩn xác và từ các nguồn tin có thẩm quyền. Đây cũng là sự khác nhau giữa các sản phẩm báo chí thực thụ và những thông tin thiếu kiểm chứng, phản ánh quan điểm cá nhân được phát tán, lan truyền với tốc độ nhanh chưa từng có trên nhiều nền tảng truyền dẫn hiện nay. Tính chuyên nghiệp sẽ giúp chúng ta duy trì được lòng tin đối với công chúng.
Trong khi đó, một nền báo chí sáng tạo sẽ cuốn hút công chúng. Công chúng không chỉ tiếp cận một loại hình thông tin thuần túy như trước đây mà cùng lúc vừa đọc, vừa nhìn, vừa nghe và thậm chí đưa ra các yêu cầu kiểm chứng và kết nối thông tin. Nhu cầu và mong muốn của công chúng là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta quyết định phát triển sản phẩm mới theo hướng nào. Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí, trong đó có TTXVN, đã đạt được những thành công ban đầu trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm thông tin mới như các bài long-form trong đó tích hợp các nội dung thời sự, phỏng vấn sâu và tư liệu có sử dụng các chất liệu đa dạng văn bản, âm thanh, ảnh và video trên cùng một sản phẩm.
Những điều này chính là cơ sở để TTXVN chọn chủ đề bao trùm cho Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần này là “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo”.
Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!