“Hiện nay số doanh nghiệp (DN) do chị em điều hành hoặc làm chủ chiếm tới trên 20% tổng số DN ở Việt Nam. Đây là tỉ lệ rất cao so với thế giới”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định về các nữ doanh nhân Việt Nam. Cũng theo ông Lộc, các nữ doanh nhân còn thường đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện. Như vậy, vị trí của doanh nhân không chỉ có ý nghĩa trong tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội.
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trao cúp Bông hồng Vàng cho nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2010. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Doanh nhân và làm từ thiện
Thống kê của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, 30% DN vừa và nhỏ do phụ nữ đứng đầu; khoảng 25% lãnh đạo và giám đốc điều hành của các DN thuộc tất cả các thành phần kinh tế ở Việt Nam là phụ nữ và ước tính 60% hộ kinh doanh gia đình do phụ nữ làm chủ. Trên thực tế, cả nước hiện có hơn 100.000 DN do phụ nữ lãnh đạo, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, từ dệt may, chế biến hàng nông sản, thủy sản, da giày đến các lĩnh vực như xây dựng, khoa học công nghệ.
Những DN do chị em làm chủ phần lớn thuộc khu vực DN nhỏ và vừa, khu vực sử dụng nhiều lao động, liên quan đến lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất chế biến nông sản, thủy sản, nhiều DN hoạt động ở vùng sâu, vùng xa.
Các DN nói trên cũng sử dụng nhiều lao động nữ, lao động khuyết tật. Các doanh nhân nữ cũng thường đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện. Như vậy, vị trí của doanh nhân nữ không chỉ có ý nghĩa trong tăng trưởng kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước.
Về phương diện khung pháp lý, nước ta đã có hàng loạt văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề phát triển kinh doanh của phụ nữ. Trong số đó, có thể kể đến Luật Bình đẳng giới được thông qua ngày 21/6/2006, Chỉ thị số 10/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Luật Bình đẳng giới; Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo 2002; Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Ban Chính trị của Đảng Cộng sản được ban hành ngày 27/4/2007 đã nêu rõ nhiệm vụ “Đẩy mạnh các DN nhỏ do phụ nữ làm chủ”.
Doanh nghiệp nữ - bình đẳng giới
Mặc dù có những đóng góp quan trọng như vậy cho nền kinh tế nhưng doanh nhân nữ vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do định kiến giới trong khởi sự và phát triển kinh doanh. Điều này bắt nguồn từ việc phụ nữ thường hạn chế hơn nam giới trong các cơ hội tiếp cận phát triển nguồn nhân lực và đào tạo kỹ năng nghề, nguồn tín dụng thương mại của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chính thức. Doanh nhân nữ cũng thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường sinh lời, mà thường chỉ tham gia vào những thị trường truyền thống tại địa phương. Họ cũng thiếu công nghệ, thông tin và mạng lưới để thành lập và phát triển kinh doanh.
Những điểm yếu trên của DN nữ đã được phân tích và khẳng định trong “Báo cáo Xu hướng Việc làm Việt Nam 2010” của Bộ LĐ-TB&XH. Theo báo cáo, đã có sự giảm sút về việc làm tự tạo của cả nam và nữ giới. Đặc biệt, phần lớn những việc làm mới trong khu vực việc làm công ăn lương đều do nam giới đảm nhận, trong khi đó phụ nữ có xu hướng chuyển sang làm công việc gia đình không được trả lương.
“Để phát triển công bằng và hiệu quả cần phải tận dụng tối đa tiềm năng của các DN nhằm tạo việc làm bền vững cho cả phụ nữ và nam giới. Doanh nhân nữ đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực này. Hỗ trợ doanh nhân nữ vượt qua những rào cản liên quan đến vai trò và trách nhiệm về giới là việc cần làm và để đảm bảo lợi ích DN”, bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh.
Đào tạo doanh nhân nữ, do đó, đã trở thành một trong những hướng đi của phát triển bình đẳng giới tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, những người phụ nữ đầu tắt mặt tối chỉ biết đến mấy sào ruộng, vất vả không thể đảm bảo được đời sống, nếu được sự hỗ trợ từ nhiều phía, từ kỹ thuật cũng như được học nghề, chắc chắn cuộc sống của họ đã đổi thay. Những phụ nữ sẽ trở thành chủ DN, chủ câu lạc bộ các ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương…
Ông Nguyễn Thái Minh (VCCI) chia sẻ về một dự án phát triển DN nữ mà đơn vị của ông đang thực hiện. Dự án “Phát triển DN nữ và Bình đẳng giới” tại Việt Nam thuộc chương trình toàn cầu của ILO thực hiện tại tám quốc gia châu á và châu Phi. Tại Việt Nam, dự án được triển khai cấp quốc gia và hai địa bàn trọng điểm Phú Thọ và Quảng Nam trong ba năm. Cho đến nay, chương trình đã đào tạo 175 doanh nhân, thành lập 10 nhóm kinh doanh và hỗ trợ tiếp cận thị trường.
“Bà Nguyễn Thị Chiến (Hải Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) là một ví dụ. Sinh sống tại một vùng nông thôn nghèo ven biển, công việc hàng ngày của bà là làm mắm tôm, mắm cá. Do hoạt động sản xuất thủ công cha truyền con nối nên làm vất vả quanh năm nhưng sản lượng mắm đã ít lại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất khó cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường”, ông Minh cho biết về một nữ doanh nhân tham gia dự án.
“Sau khi được đào tạo kỹ năng quản lý sổ sách thu chi, marketing năm 2007, bà Chiến đã chuyển từ kinh doanh hộ gia đình sang DN vi mô rồi phát triển lên thành DN nhỏ và vừa. Hiện nay, DN của bà Chiến đã mở rộng thêm cả ngành nghề đan cói và thu hút trên 50 lao động nhàn rỗi (chủ yếu là nữ) tại địa phương với thu nhập bình quân đạt từ 800.000 - 1.200.000 đồng/tháng. Thu nhập của gia đình bà Chiến cũng duy trì ở mức khoảng 40 triệu đồng/tháng…”, ông Minh cho biết.
Điều đáng mừng là trường hợp của bà Chiến không phải cá biệt. Tổng cộng tới nay, 1.119 DN đã nhận được hỗ trợ của dự án về nâng cao tay nghề, những kiến thức, kỹ năng về quản lý DN cũng như việc kết nối kinh doanh trong phạm vi trong nước và quốc tế... Thêm vào đó, một mạng lưới doanh nhân nữ trong các tỉnh có dự án đã hình thành.
Theo bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc, tạo được chiến lược hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển DN cho phụ nữ. Điều này không chỉ đảm bảo phát triển DN mà còn đáp ứng được nhu cầu của phụ nữ và nam giới.
Những bước tiến của nước ta trên con đường phát triển DN nữ cũng hứa hẹn việc tạo nhiều công ăn việc làm và việc làm tốt hơn cho người lao động trong tương lai.
Cầm Trang