‘Nóng’ ngày 12/9: Sách giáo khoa bị ‘thổi giá’ 2 -3 lần; Chia tay đoàn y, bác sĩ cuối cùng hỗ trợ Đà Nẵng

Sốc với những bộ sách giáo khoa bị 'thổi giá' gấp 3- 5 lần; ngày thứ 10 Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng; chia tay đoàn y, bác sĩ cuối cùng hỗ trợ Đà Nẵng; đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội trong vụ nâng giá thiết bị y tế... là những thông tin được quan tâm nhất trong ngày 12/9.

Sách giáo khoa giá... "trên trời"

Chú thích ảnh
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đông La (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trong giờ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: QT

Khác với những năm học trước, năm nay có 7 nhà xuất bản được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản sách giáo khoa (SGK). Đó là, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản ĐH Vinh, Nhà xuất bản ĐH Huế.      

Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung “một chương trình, nhiều SGK”, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức thẩm định và phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng cho năm học 2020-2021.     

Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục sửa đổi mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì việc lựa chọn SGK lại do UBND các tỉnh lựa chọn. Điều đáng quan tâm là một bộ SGK năm nay có mức giá cao hơn so với những năm trước. Cụ thể, SGK lớp 1 năm học 2019-2020 bao gồm các môn học bắt buộc có giá 54.000 đồng/bộ. Nhưng giá SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới giá đã tăng đến 267%.      

Trong danh mục SGK mới nhất mà trường Tiểu học An Phong, quận 8, TP Hồ Chí Minh yêu cầu học sinh mua gồm 23 đầu sách, trong đó có bộ thực hành Toán, Tiếng Việt 1 có giá lên tới 173.400 đồng.Ở 5 bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh môn học bắt buộc các Nhà xuất bản đều niêm yết giá SGK rất cao, trong đó có sách tiếng Anh (môn học tự chọn) mức giá dao động từ 45.000-99.000 đồng/cuốn. Điều này khiến nhiều phụ huynh không đồng tình và cũng không biết căn cứ vào đâu để mua cho đủ số lượng.      

Trong khi SGK lớp 1 theo chương trình mới tăng như vậy, thì SGK lớp 6 cũng rất khan hiếm và tăng tự phát khiến phụ huynh rất bức xúc. Ngay ở Thủ đô, việc tăng giá SGK diễn ra khá phức tạp do "cò sách" làm giá. Cụ thể, một bộ SGK lớp 6 là 900.000 đồng/bộ (giá gốc là 179.800 đồng). Cuốn sách được phụ huynh tìm mua nhiều nhất là Tiếng Anh, giá bìa chỉ có 115.000 đồng/4 cuốn, nhưng “cò sách” đã thổi giá lên 300.000 đồng. 

Được biết, đây là năm cuối cùng học sinh lớp 6 dùng SGK theo chương trình hiện hành, nên các nhà in giảm số lượng so với năm học trước. Việc khan hiếm SGK diễn ra ở nhiều nhà sách lớn trên địa bàn gây bức xúc cho phụ huynh. 

Điều đáng ngạc nhiên là đến nay, Bộ GD&ĐT chưa ban hành 1 bộ SGK chuẩn. Việc biên soạn, in ấn, phát hành và quyết định giá SGK thuộc về các Nhà xuất bản. Các chi phí hình thành giá SGK do các Nhà xuất bản tự đặt ra nên đã dẫn đến tình trạng giá SGK đang "nhảy múa". Trên thực tế việc triển khai SGK mới có giá cao hơn SGK cũ khoảng 2 lần đã ảnh hưởng tới học sinh, đặc biệt những học sinh vùng khó. Với thực tế này, ngành giáo dục cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để lập lại trật tự về giá SGK.

Ngày thứ 10 Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Chú thích ảnh
Theo dõi sức khoẻ người dân phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Tính đến 18 giờ ngày 12/9, Việt Nam có một ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Theo đó, Việt Nam hiện có tổng cộng 1.060 ca mắc COVID-19; trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 35.390 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 590 ngời, cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.433 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 18.367 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 12/9 có thêm 8 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, bao gồm: 5 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam là: BN565, BN592, BN723, BN898, BN836 và 3 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Hoà Vang là: BN608, BN893, BN1027.

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 16 ca, lần 2 là 17 ca, lần 3 là 21 ca.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 35 ca tử vong do COVID-19, số ca điều trị khỏi là 910 ca.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tặng hoa cám ơn đoàn y bác sĩ Tập đoàn Hoàn Mỹ. Ảnh: Võ Văn Dũng/TTXVN

Cũng trong ngày này, Đà Nẵng tổ chức buổi gặp mặt và chia tay 62 y, bác sĩ cuối cùng đến từ Hải Phòng, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Hoàn Mỹ sau thời gian hỗ trợ thành phố Đà Nẵng phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, có  33 cán bộ y tế thành phố Hải Phòng, 16 cán bộ y tế của tỉnh Nghệ An, 3 cán bộ y tế của Thành phố Hồ Chí Minh (trước đó 5 bác sĩ đã về) và 10 cán bộ y tế của Tập đoàn Hoàn Mỹ.

 Nguyên Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội bị đề nghị truy tố  

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và các đơn vị liên quan; đồng thời, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội cùng 9 bị can khác về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm CDC Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Trong 10 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án, có 6 bị can là cán bộ, lãnh đạo thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, gồm: Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc; Nguyễn Vũ Hà Thanh, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán; Hoàng Kim Thư, nguyên Kế toán trưởng; Lê Xuân Tuấn, nguyên cán bộ Phòng Tài chính kế toán; Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính và Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ.

Các bị can còn lại gồm: Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.

Kết quả điều tra xác định, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. 

Từ các tài liệu thu thập được, Cơ quan điều tra xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng, chống dịch COVID-19 khi nhập về Việt Nam có giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối đã mua bán lòng vòng với nhau, sau đó được định giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập và được CDC Hà Nội mua vào. 

Kết quả điều tra xác định, các bị can đã câu kết với nhau nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động, qua đó đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn hơn 5,4 tỷ đồng. Quá trình điều tra, các bị can và gia đình đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền thiệt hại trong vụ án để khắc phục hậu quả.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Việt Nam không có ca bệnh mới COVID-19 trong ngày 12/9, thêm 8 bệnh nhân khỏi bệnh
Việt Nam không có ca bệnh mới COVID-19 trong ngày 12/9, thêm 8 bệnh nhân khỏi bệnh

Tính đến 18 giờ ngày 12/9, Việt Nam có một ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, trong ngày thêm 8 bệnh nhân khỏi bênh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN