Nổi bật tuần qua: Kỳ họp bất thường lần thứ 9 quyết định nhiều vấn đề cấp bách

Tuần từ ngày 10-16/2, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Lào và Chủ tịch tập đoàn SK Hàn Quốc; Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp; Kỳ họp bất thường lần thứ 9 quyết định nhiều vấn đề cấp bách; Lễ giao nhận quân trên cả nước; Triển khai quy định về dạy thêm, học thêm.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Lào và Chủ tịch tập đoàn SK Hàn Quốc

Trong tuần tại Trụ sở Trung ương Đảng, ngày 13/2 Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đồng chí Thongsavanh Phomvihane, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào dẫn Đoàn thăm Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, chuyến thăm của đồng chí Thongsavanh Phomvihane có ý nghĩa quan trọng, chuẩn bị tốt nhất cho cho các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian tới, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào nói chung và hợp tác gắn bó giữa hai Bộ Ngoại giao nói riêng.

Bộ trưởng Ngoại giao Thongsavanh Phomvihane cảm ơn Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành thời gian tiếp Đoàn; trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Sonexay Siphandone và Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane tới Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo cấp cao Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh, quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, Lào sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực hiện tốt nhất các Thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Hai bên thống nhất đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc. 

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Chey Tae Won, Chủ tịch Tập đoàn SK, Hàn Quốc. Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN

Ngày 14/2, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn SK kiêm Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại (KCCI), Hàn Quốc Chey Tae-won. Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao những thành quả đạt được của Tập đoàn SK tại Việt Nam và nhấn mạnh, Hàn Quốc luôn thuộc nhóm các quốc gia dẫn đầu về đầu tư, thương mại tại Việt Nam, trên cơ sở đó hai nước đang hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 150 tỷ USD vào năm 2030. Tại buổi tiếp, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won mong muốn hợp tác với phía Việt Nam triển khai các giải pháp năng lượng kết hợp phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như đầu tư hạ tầng điện khí LNG, Trung tâm dữ liệu AI, năng lượng Hydro và lò phản ứng hạt nhân Mô-đun nhỏ (SMR), nông nghiệp công nghệ cao và logistics...

Chú thích ảnh
Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp 

Trong tuần qua tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp triển khai các giải pháp tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. 

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025, đất nước triển khai Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; tinh gọn tổ chức bộ máy; triển khai Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên để giai đoạn tới tăng trưởng 2 có số, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải có có mức tăng trưởng tương đương. Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Chính phủ sẽ rà soát, tháo gỡ kịp thời các “điểm nghẽn”, xây dựng các thể chế thông thoáng, sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức đảm bảo cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chấm dứt cơ chế xin cho, giảm thủ tục hành chính, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát... 

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 quyết định nhiều vấn đề cấp bách

Trong tuần, ngày 12/2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Kỳ họp bất thường lần này có ý nghĩa quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu cao của đất nước trong kỷ nguyên mới, tạo tiền đề tổ chức Đại hội lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn"; giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian, phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền các cơ quan theo hiến định, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 5 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chú thích ảnh
Các tân binh phấn khởi trước giờ về đơn vị.

Tổ chức lễ giao nhận quân trên cả nước từ ngày 13 - 15/2

Tuần qua từ ngày 13-15/2/2025, thanh niên trên cả nước đã lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2025. Năm 2025, việc tiến hành tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện trong một đợt. Ngày 13/2, có 52 tỉnh, thành phố tổ chức lễ giao nhận quân, bao gồm Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; 6 tỉnh thuộc Quân khu 1; 4 tỉnh thuộc Quân khu 2; 9 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 3; 11 tỉnh, thành  thuộc Quân khu 5; 9 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 7; 12 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 9. Ngày 14/2, có 6 tỉnh, thành phố tổ chức lễ giao nhận quân (thuộc Quân khu 4). Ngày 15/2, có 5 tỉnh (thuộc Quân khu 2) tiến hành lễ giao nhận quân. 

Để công tác tuyển quân năm 2025 đủ chỉ tiêu được giao, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ Quốc phòng đã có hướng dẫn các địa phương giao quân thực hiện tốt công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Việc tổ chức xét duyệt công dân tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ, công dân đủ điều kiện nhập ngũ được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, không để sai đối tượng hoặc sót lọt nguồn công dân nhập ngũ.

Chú thích ảnh

Triển khai quy định về dạy thêm, học thêm

Trong tuần qua, ngày 14/2, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạt động học thêm, dạy thêm có hiệu lực thi hành, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trước nhiều quy định mới. Đơn cử, Thông tư 29 quy định không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh; giáo viên các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường; đồng thời, Thông tư 29 cũng quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh. Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật... 

Nhiều ý kiến phụ huynh, chuyên gia đánh giá, Thông tư 29 là “bước đi” mạnh mẽ nói không với dạy thêm, học thêm có thu tiền trong trường học. Tình trạng giáo viên ép học sinh đi học thêm đã tồn tại từ nhiều năm qua, gây bức xúc cho phụ huynh. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không có dạy thêm, học thêm trong nhà trường, hướng tới “nền giáo dục có những giá trị tốt đẹp” và vì sự tôn nghiêm của nhà giáo.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường trong việc chi trả kinh phí cho giáo viên ôn tập cho học sinh cuối cấp, phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi miễn phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương hỗ trợ tài chính cho các nhà trường. Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều trường học trên cả nước đã dừng tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh, quán triệt Thông tư 29. 

Thu Trang - Thuần Như/Báo Tin tức
Chủ tịch nước: Văn hóa truyền thống của 54 dân tộc là nguồn lực quý báu xây dựng một Việt Nam hùng mạnh
Chủ tịch nước: Văn hóa truyền thống của 54 dân tộc là nguồn lực quý báu xây dựng một Việt Nam hùng mạnh

Sáng 15/2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” Xuân Ất Tỵ 2025, nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN