Cử hành trọng thể Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong 2 ngày 25-26/7/2024, tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống nhất (TP Hồ Chí Minh) và quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (TP Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ viếng và truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang.
Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, từ sáng sớm ngày 25/7, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước các thời kỳ, các đoàn khách quốc tế cùng đông đảo tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhà lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Trong thời gian diễn ra lễ tang, quanh khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh và Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), hàng vạn người dân Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các địa phương trong cả nước và kiều bào, đã xếp hàng từ sớm, trang nghiêm, thành kính chờ vào tiễn biệt Tổng Bí thư. Nhiều người không cầm được nước mắt tiếc thương người lãnh đạo mẫu mực, với nhân cách lớn lao. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên khắp đất nước không có điều kiện trực tiếp về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã theo dõi chương trình tường thuật trực tiếp lễ viếng trên sóng truyền hình.
Đúng 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Trong Lời điếu tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Lễ tang xúc động, nêu rõ:
Trọn cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; mang hết tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết cách mạng, làm việc đến hơi thở cuối cùng, tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho nước, cho dân; khẳng định một nhân cách lớn, sống trọn cuộc đời vì nước, vì Đảng, vì dân. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng trong sáng, “chí công vô tư”, lối sống giản dị, liêm khiết, chân thành, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, sâu sát, quyết liệt, nhất quán giữa nói và làm, tôn trọng và yêu thương con người, rất đỗi gần gũi với nhân dân; thật sự là hạt nhân quy tụ đoàn kết, thống nhất trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, được cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng bào ở nước ngoài kính trọng, tin tưởng và tự hào, được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao.
Sau lễ truy điệu, đoàn xe nghi lễ đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ Nhà tang lễ Quốc gia về Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội. Dọc hai bên đường từ Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, phố Lê Thánh Tông, Tràng Tiền... người dân đứng chật cứng, trên tay cầm di ảnh và hoa, ngóng chờ xe đưa linh cữu đi qua để được tiễn đưa Tổng Bí thư.
Đúng 15 giờ ngày 26/7/2024, Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Sau khi đội Tiêu binh thực hiện nghi lễ hạ huyệt, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí, đồng bào, bạn bè quốc tế và gia đình đã thả hoa, tiễn đưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ 7 giờ đến 24 giờ ngày 25/7; từ 7 giờ đến 12 giờ ngày 26/7/2024 có hơn 5.600 Đoàn, với hơn 252.000 lượt người là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các Đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, đã có 100 Đoàn khách quốc tế tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội và tại Hội trường Thống nhất, TP Hồ Chí Minh.
Trong thời gian diễn ra Lễ Quốc tang, Lễ viếng và mở sổ tang được tổ chức tại nhiều cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới. Đến nay, có khoảng hơn 3.000 Đoàn tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Theo thống kê của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, từ ngày 20 - 26/7 đã có khoảng 150 điện, thư, thông điệp chia buồn gửi tới Việt Nam qua kênh quan hệ nhân dân.
Chiều ngày 26/7/2024, ngay sau Lễ an táng, Ban Lễ tang Nhà nước và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời cảm ơn. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Lễ tang Nhà nước và gia đình đồng chí Nguyễn Phú Trọng trân trọng cảm ơn toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, đã dành những tình cảm sâu nặng, niềm tiếc thương vô hạn và sự kính trọng sâu sắc đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đã đến viếng, gửi điện, lời chia buồn, dự Lễ truy điệu, tiễn đưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng về với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến, văn minh và anh hùng.
Ra mắt ngân hàng gen liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sỹ
Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, sáng 23/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Theo Thủ tướng, mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo người có công và thân nhân với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả, nhưng vẫn không khỏi day dứt, trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; những số phận thiệt thòi của các nạn nhân chất độc da cam...
Công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin ngày càng khó khăn; còn khoảng 180.000 hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập; khoảng 300.000 mộ liệt sỹ trong các nghĩa trang liệt sỹ trên toàn quốc còn thiếu thông tin, cần bổ sung, xác định danh tính…
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện người có công đã thực hiện nghi thức ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sỹ.
Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, bão số 2, hoàn lưu bão gây mưa lớn từ ngày 22 - 25/7/2024 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Từ ngày 22 - 25/7, địa bàn tỉnh Sơn La đã có mưa to, có nơi mưa rất to gây ra lũ, làm thiệt hại nặng về người, hoa màu, nhà cửa và ngập úng nhiều điểm trên địa bàn. Đặc biệt, tại xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, mưa lũ, sạt lở đất đã làm 6 người dân mất tích ở các bản Hua Pư và Pá Hốc.
Sáng 25/7, trời tạnh mưa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La đã phối hợp với chính quyền xã Chiềng Nơi và lực lượng chức năng của huyện Mai Sơn tìm kiếm người dân mất tích do sạt lở đất. Đến 16 giờ ngày 25/7, đã tìm thấy 6 thi thể người dân mất tích bị sạt lở vùi lấp do mưa lũ gây ra ở xã Chiềng Nơi.
Cũng do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ quét vào rạng sáng 25/7 trên địa bàn xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã làm chết 2 mẹ con và làm 4 người bị thương. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các lực lượng chức năng của huyện đã tích cực phối hợp với lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh tổ chức tìm kiếm người mất tích; chỉ đạo công an huyện đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực…
Tại Thủ đô Hà Nội, khu vực xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, đã có một người tử vong do bị lũ cuốn trôi. Mưa lớn làm mực nước sông dâng cao đã gây ra những điểm úng ngập từ 20-50 cm tại các tuyến phố thuộc các quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, đường gom Đại lộ Thăng Long…
Trước tình hình trên, các địa phương đã và đang tập trung triển khai nghiêm túc Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/7 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ FLC
Sáng 22/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).
Tại phiên tòa này, Tòa án triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS với tư cách là bị hại; đồng thời, triệu tập 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đầu giờ sáng phiên khai mạc, có khoảng 30 nhà đầu tư đến tham dự, theo dõi phiên tòa qua hệ thống màn hình.
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị Viện Kiểm sát truy tố về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”, trong đó nêu rõ Trịnh Văn Quyết đã thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, sau đó hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán. Ngoài ra, Quyết còn cùng các đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.
Trình bày tại tòa, bị cáo Quyết thừa nhận nội dung trong cáo trạng là đúng. Bị cáo cho rằng, cáo trạng truy tố bị cáo không oan, không sai. Bị cáo tôn trọng các quyết định truy tố của Viện Kiểm sát và không có ý kiến gì thêm.
Chiều 26/7, tại phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Theo đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt từ 19-20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ 5-6 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Quyết là từ 24-26 năm tù.
Thi hành kỷ luật nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
Ngày 23/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Lưu Xuân Vĩnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Theo Quyết định, thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Lưu Xuân Vĩnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2021 - 2026 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 42, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời và các dự án đầu tư xây dựng. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn ngân sách Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 và một số cán bộ, trong đó có ông Lưu Xuân Vĩnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.