Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã tham gia xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, việc xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã chú trọng đầu tư cho sản xuất và có những chuyển biến rõ nét. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung tháo gỡ vướng mắc, ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm triển khai đồng bộ và mở rộng đối tượng, phạm vi được hưởng ưu đãi, đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đó cũng là những vấn đề mà các Đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, việc ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn có những bất cập, hạn chế. Tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn tiếp tục tái diễn mà việc giải cứu nông sản (thanh long, chuối, khoai tây) thời gian vừa qua cho thấy cơ chế liên kết trong nông nghiệp còn bất cập, nhiều nơi chưa hiệu quả.

Giá gạo của Việt Nam đã đạt mức cao

Trao đổi tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, về tăng trưởng nông nghiệp trong 9 tháng năm 2018 tăng trưởng mức 3,65%.

"Đây là mức tăng trưởng rất cao trong nhiều năm gần đây, điều này càng khẳng định tốt hơn khi năm nay tác động thiên tai rất lớn", Bộ trưởng đánh giá, đồng thời nêu lên các tác động khác như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động rủi ro về thương mại...

Về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, chúng ta đang chuẩn bị tổng kết 5 năm chương trình tái cơ cấu nông nghiệp từ tháng 6/2013.

"Cho đến nay, có thể khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp đã đi đúng hướng và có được những kết quả ban đầu rất tích cực", Bộ trưởng nói. Sản xuất nông nghiệp có tăng trưởng; tổng phát triển thị trường, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu ra hơn 180 quốc gia. Trong 5 năm, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 200 tỷ USD, thặng dư đưa về cho đất nước là 50 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành Nông nghiệp đã tập trung phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao. Về 3 trục sản phẩm, nhóm sản phẩm quốc gia là các sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm quy mô hàng hóa cấp nông sản địa phương từng bước được áp dụng công nghệ cao, phù hợp từng quy mô, cấp độ, trình độ quản trị.

"Ví dụ như lúa gạo, cách đây 5 năm chúng ta thấp nhất thế giới, thì hiện tại giá gạo của chúng ta đã ở mức cao, cao hơn cả Thái Lan, Ấn Độ. Và giá trị năm 2018 đã đạt cao nhất về lượng và giá trị", Bộ trưởng Cường cho biết.

Đưa xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất

Về tình hình xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đã hoàn thành 17,5% số xã nông thôn mới, so với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là 50% số xã.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu một số tồn tại trong xây dựng nông thôn mới. Bộ tiêu chí nông thôn mới không phù hợp với 7 vùng miền, rất bất cập trong tổ chức thực hiện. Việc huy động nguồn lực không phù hợp với tất cả các vùng miền.

"Ở các vùng miền có điều kiện về kinh tế thì rất dễ huy động nguồn lực xã hội hóa. Phân bổ nguồn lực thì lại bình quân như nhau nên các nơi vùng sâu, vùng xa, khó khăn càng khó khăn hơn, khi thực hiện xây dựng nông thôn mới thì khoảng cách giàu - nghèo lại càng xa hơn", Bộ trưởng đánh giá.

Về hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, Bộ trưởng cho biết, hiện nay sau 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, các chỉ tiêu cốt lõi đạt được là 40,3% số xã, như vậy là vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; sang năm 2019 chắc chắn hoàn thành được mục tiêu 50%.

Bộ trưởng cho biết, về cơ bản những nội dung này đã được Chính phủ chỉ đạo các địa phương, bộ, ban, ngành vận dụng triệt để theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào nội dung thúc đẩy sản xuất, nội dung về môi trường, về văn hóa xã hội, đây là những nội dung chính của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cũng đã tập trung nhiều vào vấn đề này. Như đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phát động toàn quốc học tập theo Hải Hậu (Nam Định), một huyện có 35 xã thì toàn bộ các xã này đều đã xử lý môi trường, mỗi xã có 1 hợp tác xã hoặc 1 công ty chủ động xử lý vấn đề môi trường; hay phát triển phong trào sản xuất hàng hóa "mỗi làng một sản phẩm" học tập theo Quảng Ninh…

"Tôi nghĩ là các địa phương đang thúc đẩy các nội dung về sản xuất, đời sống, về văn hóa xã hội, môi trường để coi nông thôn mới thực sự là một chương trình đích thực nâng cao đời sống, nâng cao giá trị văn hóa chứ không chỉ là hình thức", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tùng - Vân (TTXVN)
Đại biểu Quốc hội nói về khu đất quốc phòng trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Đại biểu Quốc hội nói về khu đất quốc phòng trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Chiều 26/10, phát biểu tranh luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) đã có báo cáo về khu đất quốc phòng trên địa bàn Hải Phòng mà trước đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đã nhắc đến khi kiến nghị Chính phủ sớm có lộ trình chấm dứt cái gọi là "phạt cho tồn tại".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN