Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Sở hữu nhà chung cư theo thời hạn thiết kế
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có chương riêng dành cho việc cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư, tuy nhiên nội dung quy định còn nhiều điều phức tạp như điều kiện phá dỡ, tỷ lệ số hộ đồng ý phá dỡ, bố trí tái định cư sau phá dỡ, ngân sách có trách nhiệm như thế nào trong việc này…
Đây cũng là vấn đề phức tạp trong việc cải tạo chung cư cũ hiện nay. Theo đó, nguyên nhân sâu xa là quy định sở hữu vĩnh viễn, không thời hạn đối với chung cư hiện tại. Chính vì sở hữu không thời hạn nên người sở hữu có quyền không đồng ý với việc cải tạo, phá dỡ và xây dựng lại.
Chung cư cũ hiện nay đều là nhà thấp tầng nên nhà đầu tư có thể nâng cao tầng, từ đó có điều kiện thoả thuận đền bù cho người sở hữu. Nhưng, trong tương lai chung cư cũ đều cao tầng, khi phá dỡ và xây dựng lại, người sở hữu nếu muốn ở nhà mới phải tự bỏ tiền và không nhà đầu tư nào tham gia.
Lúc này, khi chung cư hết thời hạn sử dụng, việc sở hữu dài hạn hay có thời hạn thực tế đối với người sở hữu không còn, có chăng chỉ là quyền ghi trên giấy tờ. Nên, dự thảo luật nên quy định thời hạn sử dụng chung cư theo thời hạn thiết kế công trình.
Quy định như vậy sẽ đem tới 2 lợi ích, thứ nhất, đối với người sở hữu nhà sẽ chỉ trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế, chứ không phải sở hữu vô thời hạn. Giá nhà ở theo thời hạn thiết kế, tuổi thọ công trình sẽ khác với giá nhà sở hữu vô thời hạn. Theo quy định hiện nay vô hình chung chỉ thoả mãn nhu cầu sở hữu khi người dân phải trả thêm tiền để sở hữu tờ giấy sở hữu, trong khi đến thời hạn phá dỡ vẫn phải tự bỏ tiền.
Đối với xã hội tránh tình trạng chung cư hết thời hạn sử dụng nhưng vì người dân sở hữu vô thời hạn nên chỉ cần có người không đồng ý thì chung cư sẽ không thể phá dỡ, cải tạo và xây dựng lại, và lại rơi vào tình trạng nhà chung cư sập xệ như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế): Đề xuất một quỹ phát triển nhà ở xã hội riêng
Dù hiện nay đã có quy định về quỹ phát triển nhà ở, song vẫn cần một quỹ riêng về phát triển, bảo trì nhà ở xã hội. Nguồn quỹ này có thể đến từ nguồn lợi nhuận từ mua bán, sử dụng chung cư và một phần đến từ nguồn thu phi lợi nhuận, hướng đến bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân.
Thực tế, đối với nhà chung cư, câu chuyện vướng mắc liên quan đến đánh giá hiện trạng chung cư, mức độ xuống cấp, các tiêu chí và điều kiện để cải tạo. Điều này phải gắn với quy hoạch, kế hoạch, quy mô dân số, khả năng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Cùng với đó, cần có sự thống nhất về phương án đền bù và bồi thường sau thu hồi các nhà chung cư xuống cấp để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo.
Theo đó, xác định rõ sự khác nhau về nguồn lực đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, đối với khu vực công và tư, chung cư đô thị và nông thôn, chung cư khu công nghiệp và chế xuất. Nếu đầu tư xây dựng mới cần nguồn lực dài hơi, dùng ngân sách trong hay ngoài ngân sách nhà nước để bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực.
*Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương): Tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội
Phân khúc nhà ở xã hội vẫn dậm chân tại chỗ sau bao nhiêu năm nay dù chính sách hỗ trợ rất nhiều nhưng không hiệu quả. Thực tế, về phía các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, hỗ trợ là rất cần thiết nhưng dường như chưa hỗ trợ được chính xác những điều mà doanh nghiệp cần nhất.
Chẳng hạn sự hỗ trợ về tài chính như việc miễn tiền sử dụng đất đối với phần đất xây nhà ở xã hội là quan trọng về mặt kinh tế nhưng các doanh nghiệp phản hồi rằng cần thiết nhất vẫn là hỗ trợ về các thủ tục hành chính.
Bởi, với doanh nghiệp khi bỏ tiền xây nhà ở xã hội, rất mong muốn thu hồi vốn sớm. Nếu thủ tục hành chính kéo dài, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất nhiều.
Hiện nay, thủ tục hành chính từ lúc xác định đất làm nhà ở xã hội đến lúc tính xong tiền thuế đất để miễn cho doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian.
Cùng với đó, khi xây xong nhà ở xã hội, quá trình xét duyệt đối tượng để được mua nhà ở xã hội cũng rất lâu nên có những khu nhà ở xã hội đã hoàn thiện rồi nhưng phải đến cả năm sau vẫn chưa giao được cho đối tượng mua nhà.
Trong khi đó, chỉ cần chậm 1 đến 2 tháng đối với doanh nghiệp phải vay ngân hàng, lãi suất phải trả cũng rất lớn và thiệt hại này không ngân sách nào hỗ trợ.
Do đó, cần rà soát và tạo điều kiện thông thoáng cũng như đẩy nhanh các thủ tục hành chính cho phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, trước mắt cần rà soát để sớm đưa vào sử dụng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, từ đó cắt giảm nhiều thủ tục hành chính giữa các đơn vị.