Nhân dân tin tưởng, chung sức đồng lòng cùng Chính phủ chống dịch COVID-19

Có lẽ hơn lúc nào hết và hơn ai hết, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên trong ngành y tế, công an, quân đội và những người tham gia vào tuyến đầu của công tác phòng, chống dịch bệnh phức tạp này. Họ là nguồn cảm hứng của tinh thần đoàn kết, của tình yêu thương, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, góp phần cùng cả hệ thống chính trị và cộng đồng quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19, ổn định cuộc sống, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đây là những ý kiến tâm huyết được các đại biểu Quốc hội chia sẻ, thảo luận sôi nổi tại hội trường và bên hành lang Quốc hội ngày 25/7 được phóng viên báo Tin tức ghi lại.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long):

Cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương với tính chất phức tạp hơn đã tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu ý kiến. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Trước khó khăn và thách thức đó cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân đoàn kết, đồng lòng, chung tay hành động với phương châm 4 tại chỗ, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất, với mục tiêu hàng đầu như Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh "sức khỏe và tính mạng của người dân là quý nhất".

Tuy nhiên, số ca nhiễm gia tăng mạnh đã tạo áp lực lớn lên công tác điều trị của hệ thống y tế, một số nơi có dấu hiệu quá tải về nhân lực và thiết bị y tế cần sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế và các địa phương khác. Trước tình hình trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, quan tâm đến chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời.  

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, ngoài việc thực thi nhiệm vụ được phân công thì những gì mà lực lượng này đã làm trong thời gian qua tiêu biểu cho hình ảnh người công dân trong giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước.

“Là những người có ý thức và trách nhiệm cao với đồng bào với cộng đồng, các anh chị đã bất chấp rủi ro, nguy hiểm đối với bản thân, gia đình và người thân để tham gia vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, thời gian, sức lực và đạo đức nghề nghiệp cao quý”, Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh: “Tôi thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho cơ chế đặc biệt, đặc cách trong mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ hệ thống xét nghiệm Realtime PCR đăng ký lưu hành, thử nghiệm lâm sàng thuốc, phát triển sản xuất vaccine COVID-19 trong nước, nội địa hóa trang thiết bị y tế, thuốc để bảo đảm tự chủ, tự lực, tự cường trong công tác phòng, chống dịch COVID-19”.

Bà Thanh cho rằng, qua thực tiễn phòng, chống dịch cho thấy hệ thống y tế cấp huyện còn thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết, như hệ thống ôxy trung tâm, máy thở, xét nghiệm. Nếu được đầu tư thì hiệu quả trong phối hợp, phân tầng điều trị sẽ tốt hơn. Cho nên cần tiếp tục đầu tư hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để củng cố, nâng cao năng lực, nhằm phát hiện sớm, can thiệp kịp thời có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, giảm tỷ lệ mắc, chết và tàn tật.  

Hiện tại dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp, toàn hệ thống y tế, trong đó có hệ thống dự phòng đang chiến đấu hết mình từng phút, từng giây nhưng phụ cấp chế độ lại ít, thủ tục thanh quyết toán phức tạp, chế độ đãi ngộ có sự khác biệt giữa hệ dự phòng và hệ điều trị.

Cần tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống y tế cơ sở; đồng bộ trang thiết bị y tế chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật y tế tiên tiến, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao của người bệnh. Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tăng cường đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Song song đó, đề nghị quan tâm đến lực lượng y tế học đường trong phòng, chống dịch COVID-19 trong các trường học trong thời gian tới.

“Chính phủ cần bổ sung thêm các giải pháp mới, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trụ vững vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, góp phần tăng trưởng kinh tế. Sớm đề xuất, nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt là quan tâm cụ thể đến những vấn đề thiết thực đối với hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, như các khoản thuế, chậm nộp hợp lý các khoản theo trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp, chi phí các thủ tục hành chính quy định, quy trình thực hiện hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, từng lĩnh vực và trong từng giai đoạn...”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị.

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội):

Tăng ni cởi cà sa khoác áo blouse xông pha nơi tuyến đầu chống dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp những các địa phương đã và đang kiểm soát dịch rất tốt dưới sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, sự đồng tình, chung sức, chung lòng chống dịch của toàn dân với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".  

Chú thích ảnh
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho biết: Hơn 2.000 năm qua, Phật giáo chính luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, tăng ni cởi cà sa khoác chiến bào cùng nhân dân đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni phật tử khắp mọi miền đã đi đến những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Thời dịch bệnh tăng ni cởi cà sa khoác áo blouse cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch, bất kể nguy nan.

"Chỉ tính đến ngày 20/7 đã có 612 tình nguyện viên phật giáo, trong đó có 59 tăng ni và 553 phật tử phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến. Nhiều ngôi chùa đã xung phong trở thành bệnh viện dã chiến, những chiếc máy thở, những phòng áp lực âm, những trang thiết bị y tế cần thiết đã được Giáo hội trao tặng thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thậm chí, ngay cả khi người dân đang bị cách ly thực hiện theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngoài việc hỗ trợ tiền mặt, rất nhiều ngôi chùa trong cả nước đã chuyển hàng trăm tấn rau củ quả và nhu yếu phẩm để chuyển vào những vùng tâm dịch", đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho biết.

Ngoài ra, Trung ương Giáo hội và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành cùng tín đồ phật tử đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đại biểu Thích Bảo Nghiêm, ngày 19/7, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội đã ban hành Công văn số 183 kêu gọi tăng ni, phật tử cả nước cấm túc ở yên một chỗ tụng kinh cầu nguyện đẩy lùi dịch COVID-19, trong đó có đoạn viết: "Đúng 6 giờ sáng ngày 27/7/2021 các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt cử 3 hồi chuông, trống bát nhã tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh, liệt sĩ. Đồng thời đồng loạt tụng kinh dược sư, cầu nguyện đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, mong cuộc sống sớm trở lại bình thường, mọi sự an lành cho nhân dân và đất nước".

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cũng nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm từ niềm tin và tình người. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là bản lĩnh của người Việt Nam, càng khó khăn mà biết chăm lo, thúc đẩy thì càng là động lực giúp mọi người vượt khó vững bước trên con đường đã chọn.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình):

Cần có chiến lược sống chung với dịch bệnh

"Tôi tán thành với các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, như chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, biện pháp 5K, các giải pháp hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc ứng phó với dịch bệnh vẫn mang tính ngắn hạn. Vì vậy, như một số quốc gia đã làm, chúng ta cần phải có các giải pháp lâu dài khi COVID-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất và phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh này, hướng tới trạng thái bình thường mới", đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho hay.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bên cạnh các giải pháp về vaccine, xét nghiệm, điều trị bệnh, nâng cao trách nhiệm xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng cần có các kịch bản cụ thể để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong điều kiện dịch bệnh. Trong đó, chú trọng đến các cơ quan hoạt động có tính chất đặc thù như Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt đối với tòa án, viện kiểm sát, công an làm sao để hoạt động xét xử, giam giữ, tiến hành phù hợp, không để tồn đọng án và phòng ngừa được dịch bệnh.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, một trong hai hoạt động chủ yếu để thực hiện mục tiêu kép, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng bên cạnh các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, bảo đảm chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại các khu công nghiệp thì cũng rất cần quan tâm đến quyền của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly để họ được bảo đảm quyền lợi về ăn nghỉ, vui chơi, giải trí, đời sống gia đình.

Cần đảm bảo nguồn lực lâu dài cho công tác phòng, chống đại dịch, khi nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, phải huy động các nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp vào quỹ vaccine. Các cơ quan nhà nước cần hết sức tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để tạo nguồn kinh phí.

"Tôi cho rằng, trong thời gian tới cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Một số văn bản pháp luật cần quan tâm sửa đổi, như các quy định của pháp luật về chống bệnh truyền nhiễm đã lạc hậu, một số quy định không áp dụng được trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua", đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu ý kiến.

Viết Tôn/Báo Tin tức
Ngày 26/7, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ
Ngày 26/7, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ

Theo Chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 26/7, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN