Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) phát biểu tại Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp họp ở thành phố Tua. Đồng chí là người Việt Nam đầu tiên trở thành người cộng sản và là một trong những sang lập viên của Đảng Cộng sản Pháp (12/1920). Ảnh tư liệu: TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Phạm Văn Minh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về hành trình đến với Luận cương của V.I. Lênin:
Trong cuộc hành trình lịch sử tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng kéo dài suốt 30 năm, đi qua nhiều châu lục và đại dương, đặt chân đến nhiều nước, tìm hiểu nhiều nền văn minh lớn trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã làm nhiều nghề khác nhau vừa để kiếm sống vừa để hòa mình vào cuộc sống của nhân dân lao động và cũng là để tìm hiểu xem những gì ẩn giấu đằng sau ba từ “Tự do, Bình đẳng, Bác Ái”. Đặc biệt, tại nước Pháp, quê hương của lý tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác Ái”, Người đã có cuộc hội ngộ lịch sử với những lý tưởng vĩ đại của V.I. Lênin qua tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Việc tìm thấy ánh sáng chân lý và con đường giải phóng dân tộc ở Luận cương đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc cũng như làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam.
Tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa được V.I. Lênin viết vào tháng 6/1920 để trình bày tại Đại hội II Quốc tế cộng sản sẽ được họp từ 19/7 đến 7/8/1920. Trước đó, Luận cương được đăng trên Tạp chí Quốc tế cộng sản số 11, ngày 14/7/1920 và trên báo Nhân đạo (L’Humanite) - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ngày 16 và 17/7/1920.
Qua số báo ngày 16 và 17/7/1920 của báo Nhân đạo (L’Humanite), Nguyễn Ái Quốc đã được đọc và lĩnh hội những tư tưởng vĩ đại của V.I. Lênin thông qua bản Luận cương. Sau này, trong bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh đã kể lại, trong một cuộc họp của Đảng Xã hội Pháp, một đồng chí đã đưa cho đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo. “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”".
Từ ngày 6/1 - 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Ảnh: TTXVN phát
Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc hiểu được rõ ràng và đầy đủ hơn bản chất của chủ nghĩa tư bản, nhất là tư tưởng dân chủ tư sản - một tư tưởng chỉ rao giảng đến quyền bình đẳng chung chung, trừu tượng, hình thức và quyền bình đẳng trên pháp luật chứ không phải là quyền bình đẳng thực sự. Chính chủ nghĩa tư bản áp bức, bóc lột nhân dân lao động chính quốc, đồng thời đô hộ đàn áp các nước thuộc địa và gây ra bất bình đẳng. Tuy nhiên, chúng lại dùng quyền bình đẳng chung chung làm vũ khí triệt tiêu tư tưởng bình đẳng tuyệt đối của giai cấp công nhân và các dân tộc. Bản chất của chế độ dân chủ tư sản là một chế độ dân chủ hình thức, thực chất là một chế độ bất bình đằng. Sự bất bình đẳng này bắt nguồn từ chính chế độ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Đây là cơ sở, nguồn gốc sinh ra áp bức, bóc lột, bất công. Và từ áp bức giai cấp dẫn đến áp bức, nô dịch dân tộc.
Trong Luận cương, V.I. Lênin chỉ rõ: “Chế độ dân chủ tư sản, do bản chất của nó, vốn có cái lối đặt vấn đề một cách trừu tượng hoặc hình thức về quyền bình đẳng nói chung, trong đó bao gồm cả quyền dân tộc bình đẳng. Nấp dưới hình thức quyền bình đẳng của cá nhân nói chung, chế độ dân chủ tư sản tuyên bố quyền bình đẳng hình thức hoặc quyền bình đẳng trên pháp luật giữa kẻ hữu sản và người vô sản, giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột, do đó đã làm cho những giai cấp bị áp bức bị lừa dối một cách ghê gớm".
V.I.Lenin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Nguyễn Ái Quốc vui mừng đến phát khóc, bởi vì Luận cương của V.I. Lênin đã đưa ra những chỉ dẫn vô cùng quan trọng mà các quốc gia, các dân tộc thuộc địa, chậm tiến như Việt Nam cần phải chú ý trong việc giải quyết vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Đó là phải có sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và ủng hộ tích cực của giai cấp công nhân đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc; phải đặc biệt ủng hộ phong trào nông dân, chống bọn địa chủ, chống mọi biểu hiện và tàn dư của chế độ phong kiến; phải ra sức làm cho phong trào nông dân có được tính chất cách mạng nhất, bằng cách thực hiện sự liên minh chặt chẽ nhất giữa công nhân với nông dân; phải kiên quyết đấu tranh chống xu hướng tô màu sắc cộng sản cho những phong trào giải phóng dân chủ tư sản; phải tuyên truyền, giải thích và tố cáo trước đông đảo quần chúng lao động về sự lừa bịp một cách có hệ thống của các nước đế quốc lớn; phải thực hiện sự liên minh, thống nhất của giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới: “Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa, của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”....
Luận cương của V.I. Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn, trăn trở bấy lâu nay về con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc; trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản... Nguyễn Ái Quốc đã thực sự tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, đó là vững bước đi theo con đường cách mạng vô sản. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức sâu sắc rằng: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản; Chủ nghĩa Mác – Lênin là ánh sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam; Vấn đề dân tộc và giai cấp không tách rời nhau trong tiến trình cách mạng.
Trên cơ sở nhận thức đó, trong thời gian nửa cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận trong Đảng Xã hội Pháp ở Paris để bảo vệ V.I. Lênin và Quốc tế III. Người kể lại: “Không chỉ tham gia các cuộc họp của chi bộ tôi mà thôi, tôi còn đến những chi bộ khác để bênh vực lập trường của tôi”. Đồng thời, Người dành thời gian để nghiên cứu và hiểu thêm những điều cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin. Những hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận đó đã rèn luyện thêm bản lĩnh chính trị của Người. Vì thế, lập trường chính trị của Người đã thực sự tin theo V.I. Lênin và tin theo Quốc tế thứ III (Quốc tế cộng sản).
Tháng 12/1920, với tư cách là đại biểu Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại thành phố Tours, Người đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III, trở thành người cộng sản và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Đó là một bước ngoặt có ý nghĩa quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. Ảnh: TTXVN
Sau sự kiện đó, Nguyễn Ái Quốc dành toàn bộ thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) - chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Các văn kiện tại Hội nghị thành lập Đảng: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn thảo. Đây chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đó là nền tảng quan trọng xây dựng nên đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta.
Từ đây, những hạn chế của các phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã được Nguyễn Ái Quốc khắc phục triệt để. Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã có một tổ chức lãnh đạo thống nhất đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, có một đường lối lãnh đạo đúng đắn đó là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Sự thật, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đem đến thắng lợi vĩ đại cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận là người nô lệ mất nước trở thành người tự do, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Rõ ràng, đến với Luận cương của V.I. Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm con đường cứu nước, làm chuyển biến căn bản về chất trong nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động cách mạng, tạo ra bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa quyết định sự nghiệp cách mạng ở Người. Đó là chuyển từ giác ngộ dân tộc sang giác ngộ giai cấp, từ một người yêu nước thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế chân chính. Đó là mốc son quan trọng trong cuộc đời cách mạng Hồ Chí Minh. Từ đó, Người nhất quán theo đuổi con đường cách mạng vô sản, dành cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam, sự kiện Nguyễn Ái Quốc đến với Luận cương của V.I. Lênin đã chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước suốt mấy chục năm. Luận cương của V.I. Lênin đã khơi sáng tư tưởng cách mạng Việt Nam. Từ đó, chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Sự kiện này đặt nền móng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cho cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước sau này.
Có thể khẳng định, sự kiện năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đến với tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin (còn gọi là Luận cương của V.I. Lênin) đã trở thành một trong những mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lớn lao và có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của Người cũng như sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Cuộc hội ngộ lịch sử của Nguyễn Ái Quốc với Luận cương của V.I. Lênin không chỉ giúp Người tìm thấy ánh sáng chân lý, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, làm thay đổi căn bản nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động cách mạng của cá nhân Người, mà còn làm thay đổi cả vận mệnh của dân tộc Việt Nam.