Người dân và doanh nghiệp ủng hộ
Hôm nay là ngày đầu tiên các sở, ngành, UBND quận, phường của Hà Nội bắt đầu tổ chức làm việc vào buổi sáng thứ 7 để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, sáng thứ 7 đầu tiên thực hiện theo Quyết định 05/2017/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội, tại trụ sở Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân phường Minh Khai (quận Hai bà Trưng), đúng 8 giờ, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên bắt đầu làm việc. Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai Đặng Xuân Hải cho biết, tất cả cán bộ của bộ phận một cửa, cán bộ địa chính, môi trường, tư pháp… đều đi làm.
Tại UBND phường Thịnh Quang (quận Đống Đa), toàn bộ cán bộ cũng đi làm đầy đủ. Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp, chuyên viên văn phòng thống kê chia sẻ, thực tế, bộ phận một cửa tiếp công dân tại UBND phường Thịnh Quang đã thực hiện làm việc sáng thứ 7 từ năm 2009. “Tuy nhiên, lần này, tính chất công việc có đôi chút khác biệt. Nếu như trước đây, đơn vị chỉ là tiếp nhận thì nay có thêm điểm mới là tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính. Cán bộ các phòng Tư pháp, Lao động thương binh xã hội... đều không bỡ ngỡ và làm việc với quyết tâm cao”, chị Điệp cho biết.
Cán bộ UBND phường Thịnh Quang giải quyết thủ tục cho người dân sáng nay 11/3. |
Được giải quyết thủ tục vào ngày cuối tuần, ông Lâm Xuân Đức (số 2 ngách 82 ngõ Thái Thịnh 1, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) rất vui mừng. Ông Đức chia sẻ, việc triển khai làm việc sáng thứ 7 sẽ giúp cán bộ có thời gian tiếp xúc với người dân nhiều hơn, giúp người dân tiếp cận tốt hơn và giải quyết nhanh những thủ tục mà ngày thường trong tuần chưa triển khai kịp.
“Việc thực hiện nề nếp như vậy sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đây là cách làm hay, cần nhân rộng ở tất cả các địa phương trong cả nước”, ông Đức nhấn mạnh.
Tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tại Khu Đô thị Nam Trung Yên, ngay từ đầu giờ sáng đã có rất nhiều người dân và doanh nghiệp đến thực hiện các giao dịch. Anh Đặng Thanh Tùng, nhân viên của một công ty thiết bị điện ở quận Tây Hồ cũng vui mừng cho biết vừa lấy kết quả về thay đổi thông tin trong giấy phép kinh doanh.
“Tôi nhận được giấy hẹn hôm qua nhưng do bận họp nên sáng nay mới đến để lấy kết quả được. Việc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như các sở ngành khác của Hà Nội đi làm thứ 7 rất thuận tiện cho doanh nghiệp vì ngày thường chúng tôi vẫn có thể đi làm, tiết kiệm được thời gian làm việc trong tuần của doanh nghiệp”, anh Tùng nói.
Thực hiện bài bản hơn
Tại các sở ngành của Hà Nội, không khí làm việc ngày cuối tuần cũng không khác gì so với ngày thường. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã thực hiện làm việc sáng thứ 7 từ nhiều năm nay để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của UBND thành phố lần này, việc thực hiện sẽ bài bản và cụ thể hơn.
Theo Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Thị Thu Hường, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đã thực hiện đi làm sáng thứ 7 theo Quyết định 58/2010 của UBND Thành phố Hà Nội từ tháng 1/2017. Các thủ tục giải quyết gồm: đăng ký kinh doanh, đầu tư xây dựng và đầu tư nước ngoài, tiếp nhận và trả kết quả. Tháng 8/2016, Sở tiến hành đăng ký doanh nghiệp qua mạng. Do đó với quyết định mới này của thành phố, cán bộ nhân viên của đơn vị cũng không có bất ngờ. Tuy nhiên Sở cũng đã tiến hành rà soát tất cả các thủ tục xem ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh thì còn thủ tục nào cần tiếp nhận và trả kết quả ngay không. Nhưng qua rà soát thì hiện nay là không có.
Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư sáng thứ 7. |
Còn theo ông Nguyễn Xuân Thịnh, Phó trưởng phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị đi làm sáng thứ 7 không chỉ là yêu cầu của thành phố mà xuất phát từ thực tế công việc. Thậm chí phải làm thêm cả ngày chủ nhật, ngày thường cũng có thể làm đến 8-9 giờ tối để giải quyết xong khối lượng công việc.
Về việc sắp xếp nghỉ bủ cho cán bộ nhân viên đi làm sáng thứ 7, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, theo chỉ đạo của UBND thành phố, có hai phương án là công chức sẽ được bố trí nghỉ bù hoặc trả lương làm thêm giờ. “Với đặc thù công việc khá vất vả, áp lực, nhu cầu giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai của người dân lớn, thêm vào đó số lượng cán bộ có hạn, nếu công chức nghỉ bù sẽ ảnh hưởng đến công việc, làm chậm tiến độ giải quyết hồ sơ. Vì thế, Sở sẽ chọn giải pháp chi trả tiền làm thêm giờ cho nhân viên”, ông Nghĩa nói.
Còn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện tại, cán bộ bộ phận một cửa làm sáng thứ 7 được phụ cấp và tiền làm thêm giờ. Tiền làm thêm giờ được tính gấp đôi ngày thường.