Nhiều áp lực đặt ra đối với ngành Kiểm sát
Trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn ngành Kiểm sát đã tập trung tổ chức thi hành các đạo luật về tư pháp mới được ban hành. Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều áp lực đặt ra đối với ngành Kiểm sát. Đó là yêu cầu nhiệm vụ và trách nhiệm tăng thêm rất nhiều; yêu cầu Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia, thực hiện nhiều hoạt động tố tụng so với trước đó nhằm phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; chế tài xử lý trách nhiệm rất nghiêm đối với Kiểm sát viên trong việc để xảy ra các trường hợp oan, sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và quy định kỷ luật của Đảng,...
Những nhiệm vụ, khối lượng công việc rất lớn trong bối cảnh ngành Kiểm sát đang thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.
Trước những áp lực nêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu đổi mới nhiều khâu, lĩnh vực công tác. Trước hết là đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong ngành; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành, gắn xây dựng Đảng với xây dựng ngành, phát huy tính gương mẫu, trách nhiệm của người đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Công tác cán bộ được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong suốt nhiệm kỳ. Trong đó yêu cầu người đứng đầu Viện Kiểm sát các cấp phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”; cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ. Trong đó, ngành tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra; thực hiện nhiều biện pháp như đào tạo, tập huấn, chọn và phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo; tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án. Yêu cầu khẩn trương bồi thường, khắc phục hậu quả đối với các trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Đối với khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là khâu công tác đột phá của Viện kiểm sát các cấp nhằm giải quyết những bức xúc của xã hội trong lĩnh vực này.
Hạn chế đáng kể các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm
Từ những giải pháp đột phá trên, trong nhiệm kỳ qua, chất lượng công tác giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, hạn chế đáng kể các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm so với nhiệm kỳ trước.
Thông qua công tác kiểm sát, ngành Kiểm sát đã bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đầy đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng biện pháp tạm giam; chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng và các trường hợp oan, sai giảm dần.
Kết quả công tác đạt và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể: tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó chuyển xử lý hình sự đạt cao (98%). Tỷ lệ số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng giảm (tỷ lệ Viện kiểm sát trả hồ sơ giảm 0,05%, Tòa án trả hồ sơ giảm 1,22%). Số vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 99,9% (vượt 9,9%) và số bị can Viện Kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt 99,9% (vượt 4,9% chỉ tiêu). Những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa và phục vụ công tác lưu trữ, tra cứu hồ sơ vụ án, ngành Kiểm sát đã triển khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ”; đẩy mạnh phối hợp với Tòa án và đã tổ chức gần 26.000 phiên tòa rút kinh nghiệm... Kết quả, toàn ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 376.935 vụ/626.610 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Thông qua công tác kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án, ngành đã phát hiện nhiều vi phạm và ban hành gần 6.000 kháng nghị phúc thẩm, tăng 50%; trong đó, số kháng nghị được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 78,9%, tăng 8,5% và vượt 8,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội. Ngành Kiểm sát đã ban hành gần 700 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 40% và số kháng nghị được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt 84,8%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội.
Đặc biệt, các trường hợp Viện Kiểm sát quyết định truy tố nhưng Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội chiếm tỷ lệ rất nhỏ và giảm nhiều theo từng năm (năm 2017 giảm 14,3%; năm 2018 giảm 50%; năm 2020 giảm 50% so với năm trước).
Công tác điều tra tội phạm xâm phạm trong hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều tiến bộ, thực hiện tốt thẩm quyền mới được giao. Trong nhiệm kỳ, số vụ án được Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện, khởi tố và điều tra tăng 34,3% so với nhiệm kỳ trước; trong đó, có nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp được dư luận xã hội quan tâm. Tiến độ, chất lượng điều tra được nâng lên và không để xảy ra oan, sai; tỷ lệ điều tra đạt yêu cầu của Quốc hội. Thông qua hoạt động điều tra tội phạm trong hoạt động tư pháp, đã ban hành gần 500 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm, tội phạm (tăng 60%).
Trong nhiệm kỳ qua, ngành Kiểm sát đã xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bảo đảm việc xử lý, giải quyết các vụ án; đã phối hợp với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, kết quả tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian tới, toàn ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc, thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngành Kiểm sát tiếp tục phát huy phương châm "Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả" trong toàn ngành. Trong đó, tập trung tăng cường hiệu quả, củng cố công tác Thanh tra; đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ, kỹ năng kiểm sát; nâng chất đội ngũ công chức, Kiểm sát viên; thay đổi phương thức đánh giá cán bộ, bảo đảm thực chất, khách quan.
Ngành tăng cường việc luân chuyển, biệt phái, điều động cán bộ, nhằm tạo môi trường phấn đấu, thử thách rèn luyện cán bộ qua thực tiễn; quyết tâm kiện toàn mạnh mẽ Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng thời là kiện toàn toàn diện để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác; xác định lộ trình cụ thể, đổi mới đảm bảo tính liên thông, liên kết. Ngành Kiểm sát tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp ở Trung ương, địa phương và các bộ, ban, ngành hữu quan, tạo sự thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật.