Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng Lý luận Trung ương được thành lập đến nay đã được 5 nhiệm kỳ và năm 2019 là năm thứ ba của nhiệm kỳ 2016-2021. Qua gần 23 năm thành lập, với thành viên chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, biên chế chuyên trách rất ít, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao trong công việc, Hội đồng Lý luận Trung ương luôn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi công việc theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Nổi bật là Hội đồng Lý luận Trung ương đã nghiên cứu, xây dựng báo cáo tư vấn phục vụ các Hội nghị Trung ương; là đầu mối trong triển khai nghiên cứu, tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị qua các giai đoạn, đặc biệt từ năm 2006 đến nay, tham gia và đóng vai trò nòng cốt trong Tổ biên tập của Tiểu ban Văn kiện, trực tiếp tham gia xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII, XIII của Đảng; trực tiếp tham gia đấu tranh và cung cấp luận cứ phản bác các quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng.
Qua gần 23 năm thành lập, Hội đồng Lý luận Trung ương ngày càng trưởng thành, vững mạnh, khẳng định vị thế là một trong những cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu, là cái nôi tập hợp, quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu lớn trong cả nước trong triển khai nghiên cứu các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận, để thực hiện có kết quả một khối lượng công việc lớn, Hội đồng và Cơ quan Hội đồng Lý luận Trung ương đã có nhiều đổi mới về cách thức hoạt động, đề cao vai trò và hoạt động của các tiểu ban, đổi mới quy trình xây dựng các báo cáo tư vấn, các chuyên đề, các báo cáo, đẩy mạnh và đổi mới khảo sát thực tế, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách, phát huy dân chủ, tăng cường trao đổi, tọa đàm sâu với các chuyên gia, các học giả trong và ngoài nước.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, lý luận và công tác lý luận có vai trò cực kỳ quan trọng đối với Đảng ta. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân ta đạt được những thành tựu to lớn, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải sáng tỏ về lý luận. Đây là nội dung công tác có tầm quan trọng đặc biệt, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài, quan trọng đối với Đảng ta trong tình hình hiện nay. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm tới công tác nghiên cứu lý luận nói chung và hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương nói riêng.
Để phục vụ thiết thực và có chất lượng việc hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, Hội đồng Lý luận Trung ương, lực lượng nòng cốt của Tổ biên tập giúp việc Tiểu ban Văn kiện, sau hội nghị Trung ương, cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Trung ương, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân; chắt lọc kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học để góp phần hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận- thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011); nâng cao chất lượng các báo cáo.
Hội đồng Lý luận Trung ương cần tập trung nghiên cứu, cập nhật tình hình quốc tế và khu vực để có những phân tích sâu sát với thực tế, dự báo bối cảnh thế giới và trong nước trong những năm sắp tới; làm rõ tiêu chí của nước phát triển, nước công nghiệp hiện đại, tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người để xác định mục tiêu đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; bổ sung, hoàn thiện làm rõ nội hàm của 3 đột phá chiến lược cho phù hợp; tập trung làm rõ vai trò, chức năng của doanh nghiệp nhà nước và cơ chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, quản trị doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh Hội đồng Lý luận Trung ương cần tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, tăng cường sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Hội đồng Lý luận Trung ương mở rộng quan hệ quốc tế; triển khai kế hoạch học tập của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thực hiện tốt những nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, những việc theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng.