Thay đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nêu rõ một số điểm mới của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), trong đó tập trung chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nội dung trọng tâm của Chương trình tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng thời nâng cao năng lực của cộng đồng, thay đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn…
Mục tiêu đến năm 2025, cấp xã phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp huyện phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Về vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đưa ra hai phương án.
Phương án 1 đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua, trong đó, mới cân đối bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng.
Phương án 2: Để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới đảm bảo bền vững, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ mới, tăng cường huy động sự đóng góp của xã hội… phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; theo ý kiến của đa số thành viên Chính phủ, nhu cầu vốn ngân sách Trung ương cần thiết bố trí cho Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 51.500 tỷ đồng, tăng 11.868 tỷ đồng so với Phương án 1.
Về phạm vi thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước, trong đó, địa bàn đầu tư: khoảng 6.516 xã và 594 đơn vị cấp huyện. Địa bàn đầu tư của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại (Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) khoảng 1.751 xã đặc biệt khó khăn (bao gồm: 1.551 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) và khoảng 70 huyện nghèo.
Giảm nghèo theo đối tượng
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra khẳng định, việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có nhiều thuận lợi. Trong đó, bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện Chương trình đã được vận hành trong nhiều năm qua, nhận thức người dân về lợi ích của Chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia.
Về cơ cấu nguồn vốn, khả năng huy động vốn, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của đa số thành viên Chính phủ, bố trí đủ kinh phí theo đề nghị cho Chương trình là 51.500 tỷ đồng để bảo đảm thực hiện toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nội dung của Chương trình, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn. Trước mắt cân đối nguồn lực bố trí 39.632 tỷ đồng, trong quá trình điều hành, tùy tình hình thực tế, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị lựa chọn phương án tổng mức vốn cho Chương trình là 39.632 tỷ đồng, vì cho rằng giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, lựa chọn này phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn trong dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Theo Tờ trình, để tránh trùng lặp giữa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã tách bạch rõ địa bàn các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, phạm vi Chương trình lại xác định bao gồm tất cả các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ cấu nguồn lực huy động lại được lồng ghép vào Chương trình, trong khi từng Chương trình có đối tượng và phạm vi khác nhau, vì vậy, sẽ khó khăn trong quá trình phân bổ, đánh giá, mặt khác khó tránh khỏi sự trùng lặp hoặc bỏ sót trong thực hiện. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là ở đâu có địa bàn nông thôn phải nâng tầm lên, không phân biệt chỗ nào. Chỗ tốt thì hoàn thành sau đó nâng cao, kiểu mẫu, chỗ chưa tốt làm thôn, bản, dần dần mở rộng ra. Tương tự về giảm nghèo thì ở đâu nghèo là làm ở đó. Nếu phân ra địa bàn giảm nghèo là khu vực các xã khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thì không giống với chương trình mục tiêu quốc gia trước đây. "Nếu giảm nghèo chỉ có bãi ngang, ven biển… thì chưa đúng lắm, người nghèo ở khu vực thành thị và khu vực khác đưa vào đâu. Giảm nghèo theo đối tượng chứ không phải theo địa bàn, ở đâu có nghèo thì giảm nghèo", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu lên hiện tượng "bê tông hóa" nông thôn mà chưa quan tâm đúng mức về bảo tồn, gìn giữ văn hóa làng xã. Theo ông Vinh, cần có chuyên đề riêng, định hướng trong Chương trình để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.