Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
S
ẽ chuyển hướng thu hút nhà đầu tư FDI có trình độ công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, tài nguyênVề vấn đề đầu tư có yếu tố nước ngoài, một số ý kiến cho rằng tăng trưởng hiện nay đang dựa nhiều vào yếu tố nước ngoài, như vậy là thiếu bền vững.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, kể từ khi có đầu tư nước ngoài (FDI) vào năm 1987, đến nay đã 30 năm, nước ta đã thu hút được trên 370 tỷ USD và giải ngân 172 tỷ USD. Hiện còn khoảng 24.800 dự án đang tiếp tục có hiệu lực.
Theo nhìn nhận của đại biểu, đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp nhất định đến nền kinh tế nước ta, đóng góp 20% GDP, 24% tổng vốn đầu tư xã hội và 72% kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm, thu ngân sách. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài còn rất nhiều tồn tại cần phải khắc phục như: vấn đề về môi trường, chuyển giá, gian lận thương mại, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ… Do đó, trong thời gian tới, cần phải có một chiến lược định hướng thu hút FDI.
“Chúng ta vẫn rất cần FDI nhưng phải có định hướng và ưu tiên và các tiêu chí như là "xanh", tức là đảm bảo môi trường; "sạch" - ở đây có nghĩa là phải đảm bảo lý lịch của doanh nghiệp không có những vết nhơ trong hoạt động kinh doanh, không có vấn đề về trốn thuế, gian lận thương mại; tiêu chí thứ ba là công nghệ cao thích hợp gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 và tiêu chí thứ tư là có tính lan tỏa, tức là phải gắn với công nghiệp hỗ trợ trong nước và chuyển giao công nghiệp”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói. Ông cho rằng là cần phải có bàn tay hữu hình của Chính phủ trong việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
Trả lời vấn đề các đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay có sự đóng góp rất lớn của khu vực đầu tư nước ngoài, đã giúp làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam trên cả ba phương diện. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong sản xuất công nghiệp và chiếm trên 70% tổng giá trị hàng xuất khẩu; tạo ra sự dịch chuyển ngành nghề trong xã hội và tạo việc làm cho 4,2 triệu lao động...
"Chúng ta cần có một cái nhìn tích cực và khách quan đối với khu vực đầu tư nước ngoài, bởi lẽ khu vực kinh tế FDI đã trở thành một thành phần không thể thiếu đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng. Mặt khác, cần phải đặt vấn đề là làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp tốc độ phát triển của khu vực kinh tế FDI, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo lập được sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực để hỗ trợ, bổ trợ cho nhau cùng nhau phát triển", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho rằng, giải pháp trọng tâm là phải tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sắp tới Chính phủ sẽ có những định hướng mới đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, sẽ chuyển hướng tập trung và lựa chọn những dự án và nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, tài nguyên và có khả năng lan tỏa chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước.
Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ không theo mô hình truyền thốngBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Liên quan đến những vấn đề đại biểu đặt ra về tốc độ tăng trưởng GDP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, diễn biến tăng trưởng kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP theo quý của năm 2018 sẽ không duy trì được mô hình truyền thống là cứ quý sau cao hơn quý trước.
Lý giải về việc tốc độ tăng trưởng quý I/2018 đạt cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích: Tăng cao một phần là do được so sánh với mức thấp của quý I/2017. Trong khi các quý khác còn lại của năm 2018 lại chưa định hình được những yếu tố bứt phá rõ ràng như năm 2017 và lại phải so sánh với các mốc tính mức giá cao của các quý cuối năm 2017.
"Điều này dễ dẫn tới tâm lý sớm hài lòng thỏa mãn và làm mất đi động lực và niềm tin, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, hoặc là kỳ vọng quá cao về mức tăng trưởng cao của các quý cuối năm nếu theo mô hình truyền thống" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông cho biết, để khắc phục điều này, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành kiên định thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; đồng thời yêu cầu tăng cường các giải pháp bổ sung, đáp ứng diễn biến tình hình thực tế và chủ động xây dựng, quyết tâm thực hiện các mục tiêu kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 cả nước ở mức cao là 6,7%.
Báo cáo trước Quốc hội về chất lượng tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù còn ở mức thấp nhưng chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2017 có nhiều cải thiện và đang dần được nâng lên trên nhiều khía cạnh. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP cao, năng suất lao động; chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đều có chuyển biến tích cực... Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia đang có nhiều tiến bộ. Tăng trưởng đã thúc đẩy phát triển và đảm bảo công bằng xã hội, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD, tức là tăng xấp xỉ hai lần so với năm 2010. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam cũng đã được tăng lên đáng kể.