Hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động
Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện.
Thị trường lao động được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động tăng lên.
Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, tính đến tháng 9/2018 tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,1% (đang đạt chỉ tiêu dưới 4% trong các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội), góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 38,3%.
Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi kết cấu, năng suất thấp, về cơ bản Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý và khả năng di chuyển còn bị hạn chế.
Cầu lao động thấp về số lượng và vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thụât, khu vực làm công ăn lương phát triển chậm; tỷ lệ thiếu việc làm vẫn còn khá cao...
Hiện cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thiếu việc làm không cao. Chất lượng việc làm còn hạn chế thể hiện ở năng suất lao động thấp, tỷ lệ người lao động làm việc ở khu vực dễ bị tổn thương cao (56,5% lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản), thu nhập từ việc làm thấp, một tỷ lệ lớn người làm việc không tiếp cận được các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách về an toàn vệ sinh lao động (khoảng 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Cả nước cũng có gần 600 nghìn doanh nghiệp, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 96% doanh nghiệp sử dụng dưới 30 lao động, 88% sử dụng dưới 10 lao động. Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ, thậm chí là li ti thì chắc chắn năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, năng suất lao động, thu nhập và tiền lương của người lao động khó có thể cao, việc làm khó có thể bền vững.
Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức; gắn đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tạo bước đột phá trong giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong kết nối cung - cầu lao động; thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ việc làm, nhất là đối với các đối tượng yếu thế..., ông Lê Quang Trung nói.
Dự báo thị trường lao động Việt Nam năm 2019
Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung nêu rõ: Với sự chuyển dịch tích cực của nền kinh tế, năm 2019 kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao.
Thị trường lao động sẽ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao, chất lượng lao động được nâng cao.
Việc làm sẽ tiếp tục được tạo ra, dự báo số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên, khoảng 56 triệu lao động có việc làm. Trong đó, tỷ trọng lao động trong ngành Nông nghiệp chiếm 37,12%, ngành Công nghiệp-xây dựng 28,28% và ngành Dịch vụ chiếm 34,6%.
Xét theo các nhóm nghề nghiệp: Tỷ trọng lao động giản đơn vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 26,5%, tiếp đến là nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội và bán hàng có kỹ thuật chiếm 31,62%, thợ kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị chiếm 12,42%, thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật chiếm 12,47%...
Kết quả điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2018 cho thấy, kế hoạch tuyển dụng năm 2019 của các doanh nghiệp tiếp tục có sự gia tăng, trong đó cao nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã, đang diễn ra mạnh mẽ, có những tác động nhất định đến thị trường lao động Việt Nam. Theo xu hướng, một số ngành có nhu cầu lớn như ngành công nghệ thông tin luôn phát triển với tốc độ cao, khiến nhu cầu về nhân lực cũng tăng cao.
Ngoài ra, tình trạng tuyển dụng lao động của một số ngành nghề cũng sẽ gặp khó khăn như nghề kỹ thuật viên in ấn, thợ lắp ráp vận hành máy móc, kĩ thuật thủy lợi, kĩ sư xây dựng, kĩ sư cơ học, cơ khí, thợ chế biến thực phẩm và các thợ khác có liên quan...
Cũng tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung cũng giải đáp các câu hỏi liên quan đến việc cải thiện tình trạng thất nghiệp; giải pháp tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội...