Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo thành phố Hải Phòng thăm hỏi sức khỏe Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dấng. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Tại Hải Phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn công tác của Trung ương và lãnh đạo thành phố đã đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dấng (sinh năm 1927), ở tổ dân phố Kha Lâm, phường Kiến An. Mẹ Nguyễn Thị Dấng có 9 người con, trong đó 2 người con trai là liệt sĩ chống Mỹ là Liệt sĩ Phạm Hữu Tánh hy sinh năm 1967 và Liệt sĩ Phạm Hữu Độ hy sinh năm 1972. Mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" năm 2014. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố nhận phụng dưỡng Mẹ với mức kinh phí 1 triệu đồng đồng/tháng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo thành phố Hải Phòng thăm hỏi ông Lê Văn Thao, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn công tác cũng đến thăm, tặng quà gia đình ông Lê Văn Thao (sinh năm 1953) là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%, nhà ở tổ dân phố Vĩnh Khê, phường An Hải. Ông Lê Văn Thao từng hoạt động tại chiến trường Tây Ninh từ tháng 12/1972 đến tháng 4/1975. Rời quân ngũ về quê hương, ông Thao làm công nhân tại Công ty Vải sợi Hải Phòng và nghỉ hưu từ năm 2005. Gia đình ông có 3 người con; sau khi vợ qua đời, ông Thao hiện đang sống một mình, sức khỏe tốt và minh mẫn. Gia đình ông luôn gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đoàn công tác cũng thăm tặng quà các thương binh: Lưu Trung Sinh (sinh năm 1950, nhà ở tổ Lê Duẩn 1, phường Kiến An) là thương binh hạng 2/4, tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%; Đỗ Huy Nông (sinh năm 1949, nhà ở ngõ 933 Tôn Đức Thắng, phường Hồng Bàng) là thương binh hạng 3/4, tỷ lệ tổn thương cơ thể 45%, đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Nguyễn Văn Lộc (sinh năm 1945, nhà ở phường Gia Viên), là thương binh hạng 3/4, tỷ lệ tổn thương cơ thể 41% đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm hỏi, động viên ông Đỗ Huy Nông, thương binh hạng 3/4, cũng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến bày tỏ lòng tri ân ơn sâu sắc đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh và gia đình có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; kính chúc sức khỏe tới Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh và gia đình chính sách. Thăm hỏi đời sống của các gia đình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến mong muốn các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu, góp sức xây dựng thành phố Hải Phòng ngày càng phát triển.
Lắng nghe chia sẻ của Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, đại diện gia đình người có công, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã ghi nhận, biểu dương thành phố Hải Phòng thời gian qua đã triển khai hiệu quả công tác Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công; đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục tích cực thực hiện tốt chế độ chính sách, chăm cho các gia đình có công với cách mạng có cuộc sống tốt hơn trong thời gian tới
Các thương binh cùng đại diện các gia đình không giấu được niềm xúc động trước sự quan quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ dành cho những người có công; bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng vào những đổi mới của đất nước, đặc biệt là công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được triển khai từ Trung ương đến địa phương hiện nay.
* Trao quà tặng các thương, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nho Quan, xã Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng nói chung, những thương, bệnh binh nặng đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc. Vui mừng, phấn khởi khi Trung tâm ngày càng khang trang, sạch đẹp, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi lời chúc sức khỏe tới các thương, bệnh binh, người có công đang điều trị tại Trung tâm và đội ngũ cán bộ, y bác sĩ luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, cùng với sự phát triển chung của đất nước, công tác chăm sóc, hỗ trợ người có công ngày càng được quan tâm. Trong đó, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều hoạt động, chính sách chăm lo tới người có công. Thời gian tới Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần tích cực quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để từng thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách và người có công ở Trung tâm nói riêng và cả tỉnh nói chung được quan tâm hơn nữa.
Trung tâm cần tiếp tục thực hiện tốt công tác điều trị, phục hồi chức năng, chăm sóc tận tình, chu đáo nhằm ổn định sức khỏe, bảo đảm chế độ định dưỡng, nâng cao thể chất cũng như các chế độ, chính sách một cách tốt nhất để nơi đây thực sự là điểm tựa tinh thần và địa chỉ tin cậy cho các thương, bệnh binh và gia đình người có công. Đặc biệt, các thương, bệnh binh tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sống vui, sống khỏe, có ích; luôn là chỗ dựa tinh thần cho con cháu, là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập và rèn luyện.
Nhân dịp này, bà Nguyễn Thị Thu Hà cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã trao quà tặng 143 thương, bệnh binh, thân nhân gia đình người có công đang điều dưỡng tại Trung tâm.
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nho Quan đã tiếp nhận, điều trị, nuôi dưỡng trên 2.000 lượt thương, bệnh binh nặng. Hiện, Trung tâm quản lý, nuôi dưỡng, điều trị phục hồi chức năng và thực hiện các chế độ chính sách cho 143 người, trong đó có 60 thương bệnh binh; 24 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 59 người là đối tượng bảo trợ xã hội.
* Tại tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hà Thị Nga cùng Đoàn công tác đã đến thăm, trao quà tặng các gia đình thương binh, lão thành cách mạng: ông Nguyễn Văn Sơ (sinh năm 1963); ông Đỗ Văn Luyện (sinh năm 1954); ông Cao Văn Hợi (sinh năm 1959); ông Nguyễn Thanh Chính (sinh năm 1954). Đây là các bậc lão thành cách mạng, các thương, bệnh binh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Họ là biểu tượng của tinh thần yêu nước, lòng kiên trung, sự hy sinh cao cả. Dù tuổi cao, các bậc lão thành vẫn luôn giữ vững phẩm chất cách mạng, truyền cảm hứng và là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo.
Đoàn công tác cũng đến thăm, trao quà tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Lương Thị Con, khu phố Xuân Hòa, phường Bình Thuận, năm nay 86 tuổi, có chồng và con là liệt sĩ.
Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hà Thị Nga gửi lời hỏi thăm sức khỏe, đời sống; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp, hy sinh của các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn các bậc lão thành cách mạng, các thương, bệnh binh, gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng ủng hộ, đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ về phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Xác định chăm lo người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, thể hiện đạo lý và tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng của cả hệ thống chính trị, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, như: Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; chăm sóc sức khỏe; tổ chức điều dưỡng; thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết… cho người có công. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ngày càng lan tỏa sâu rộng, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa để chăm lo cho các gia đình chính sách.