Các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại buổi gặp mặt 250 đại biểu người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Đó không chỉ là dịp để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về bổn phận sống xứng đáng với quá khứ, biết ơn và gánh vác trách nhiệm của hiện tại, trở thành tấm gương cho thế hệ tương lai.
Cuộc gặp mặt 250 đại biểu người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24/7 do Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là một sự kiện giàu cảm xúc, thấm đẫm tính nhân văn. Trong không gian đẫm tình nghĩa ấy, từng câu chuyện, từng gương mặt là những trang sử sống động về một thời hoa lửa mà hào hùng.
Tại cuộc gặp mặt, cựu chiến binh Lê Đức Luân, người từng là chiến sĩ pháo cao xạ thuộc Sư đoàn phòng không 367 đã xúc động, chia sẻ về những ngày tháng chiến đấu cam go trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tham gia bộ đội từ năm 1971, ông Lê Đức Luân trải qua quá trình huấn luyện tại Hà Nội sau 5 tháng thì nhận lệnh đi sang Lào. Sau 8 tháng, ông Luân và đồng đội ở Sư đoàn 367 tiếp tục nhận lệnh sang chiến trường B1 (hiện tại là Quân khu 5), về đóng quân sân bay Khâm Đức, thung lũng Quế Sơn. Thời điểm này, ông và đồng đội lập chiến công xuất sắc bắn rơi một số máy bay F105 của địch.
"Sau đó, chúng tôi tiếp tục nhận lệnh của Trung ương Đảng, phải đi sâu vào trong vì có khả năng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh sắp tới. Chúng tôi di chuyển vào đúng thời điểm ký Hiệp định Paris năm 1973. Đường tuyến lúc ấy rất khó khăn, xe kéo pháo rất nặng, đường đi rất trơn trượt, chúng tôi tiến một bước là bị lùi một bước. Lúc đó, trên trời là máy bay, trên đường là biệt kích, phục kích của địch", ông nhớ lại.
Ngồi trên ô tô di chuyển làm nhiệm vụ, ông Luân bị máy bay địch ném bom trúng, bị thương nặng. Sau nhiều ngày sốt cao, ông được đưa về Thanh Hóa chữa trị trong tình trạng "thừa sống thiếu chết". Trước đó cao 1m70, nặng 65kg, nhưng khi được chuyển đến Bệnh viện Quân y 110 thì ông Luân chỉ còn 37kg, chẩn đoán thương tật 92%.
"Suốt thời gian điều trị, anh em, đồng đội động viên nhau cố gắng vượt qua. Mình bị nặng nhưng có nhiều anh em còn bị nặng hơn. Chúng tôi học thêm nghề, có anh em thì học nghề sửa tivi, điện tử, có người học viết báo, từ đó kiếm thêm thu nhập, lấp đi niềm đau lúc trái gió trở trời, vượt qua bệnh tật và tìm thấy niềm vui của cuộc sống", ông Luân bộc bạch.
Ông Luân cũng gửi lời nhắn nhủ với thế hệ trẻ rằng cần cố gắng học tập, nghiên cứu, phát huy thật tốt thế mạnh và phấn đấu không mòn mỏi, đưa đất nước sánh vai với cường quốc năm châu.
Người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Một trong những nhân vật đặc biệt tại Lễ kỷ niệm là ông Lê Xuân Chinh, 71 tuổi, đến từ tỉnh Điện Biên. Ông Chinh là nhân vật trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị" của nhà báo khoác áo lính Đoàn Công Tính. Bức ảnh được chụp buổi sáng ngày 15/8/1972 ghi lại hình ảnh các chiến sĩ cười nói vui vẻ trong phút dừng bắn hiếm hoi giữa hai trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị dịp trận chiến 81 ngày đêm giữa "mùa Hè đỏ lửa". Sau đó, bức ảnh được đăng trên báo Nhân Dân đúng dịp 2/9/1972, mang ý nghĩa biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính ngay cả trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.
Chia sẻ về khoảnh khắc nở nụ cười giữa bom đạn chiến tranh bởi có niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi một ngày không xa, ông Lê Xuân Chinh cho hay: "Điều lớn lao nhất mà chúng tôi nghĩ tới là niềm tin vào ngày mai sẽ giành được thắng lợi trong 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị", ông Chinh nhớ lại.
Những nhân vật khác có mặt tại lễ kỷ niệm cũng đong đầy cảm xúc. Đó là bà Nguyễn Thị Minh - Mẹ Việt Nam Anh hùng có chồng và con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ biên giới; ông Phạm Đồng Châu - người đã tham gia cách mạng từ tháng 4/1945, nay ở tuổi 102 vẫn minh mẫn; người vợ liệt sĩ Trần Thanh Hồng sinh năm 1948 đến từ tỉnh Vĩnh Long, bản thân tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày…
Và còn rất nhiều tấm gương lặng thầm, bền bỉ dựng xây đất nước sau chiến tranh. Tất cả họ là minh chứng sống cho chân lý: Không có sự hy sinh nào là vô nghĩa. Không có mất mát nào không để lại niềm tin vào một tương lai của ngày mai.
Điều đó được thể hiện bằng những con số biết nói: Cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sỹ, gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600 nghìn thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học... Họ là cả một lớp người đã hiến dâng máu xương, tuổi thanh xuân và hạnh phúc cá nhân vì đại nghĩa dân tộc. Sự hy sinh của họ còn là để đất nước yên vui, cho con cháu hôm nay "thẳng lưng" ngắm bầu trời trong xanh và cuộc sống thanh bình, được tự do đi lại trên một dải non sông gấm vóc và khắp nơi trên thế giới.
Nhắc đến họ là nhắc đến đạo lý thiêng liêng của dân tộc: "Uống nước nhớ nguồn"!
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Báo cáo về công tác chăm lo người có công với cách mạng toàn quốc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Càng đáng quý hơn, nhiều người có công, dù từng mang thương tật, mất mát, thiệt thòi, vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên, tiếp tục sống đẹp, sống có ích. Như chia sẻ đầy tình nghĩa của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Điều vô cùng cảm phục và trân trọng những người có công, những thương binh, bệnh binh là dù mang trên người vết thương chiến tranh, song họ vẫn luôn giữ khí chất anh hùng, sống có ích, giàu nghị lực, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành chỗ dựa tinh thần cho gia đình, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ đất nước noi theo. Tinh thần ấy - vượt lên trên thương tật, vượt lên sự mất mát, chiến thắng chính mình - đó là sự biểu hiện sinh động và sâu sắc của bản lĩnh người Việt Nam. Họ đã viết nên những trang sử đẹp trong thời bình, những đóng góp âm thầm nhưng to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước.
Với tinh thần "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", công tác "đền ơn đáp nghĩa" luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta dành sự quan tâm đặc biệt. Trong những năm gần đây, nhiều chính sách thiết thực đã được triển khai: Hàng nghìn hồ sơ tồn đọng được công nhận, hơn 41.800 căn nhà được sửa chữa, xây mới cho người có công, hơn 57.000 sổ tiết kiệm được trao tặng…
Sự quan tâm đó, không chỉ là vật chất, mà quan trọng hơn cả là sự lan tỏa của lòng biết ơn trong cộng đồng xã hội. Là hành động để khẳng định, Ngày Thương binh - Liệt sĩ là mạch nguồn chảy mãi của tinh thần yêu nước, sợi dây nối dài quá khứ và hiện tại. Ngày này không chỉ là để tưởng nhớ, tri ân mà còn nhằm thể hiện về ý thức và trách nhiệm: Trách nhiệm của Nhà nước trong hoàn thiện chính sách với người có công; trách nhiệm của từng tổ chức, cộng đồng trong việc chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho người có công; và trách nhiệm "uống nước nhớ nguồn" của mỗi công dân.
Người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Năm 2025 là một dấu mốc đặc biệt - kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cùng với những thay đổi to lớn, toàn diện mang tầm vóc chiến lược. Trong hành trình phát triển đầy tự hào ấy, sự hy sinh của những người đi trước càng thêm ý nghĩa. Đó là nền móng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới của một quốc gia giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Để xứng đáng với máu xương của các Anh hùng liệt sĩ, Đảng, Nhà nước ta đã và đang cùng cả hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới tư duy, nỗ lực hoàn thiện chính sách đối với người có công theo hướng toàn diện, bao trùm, hiệu quả và nhân văn. Nhưng hơn tất cả, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" không chỉ dừng lại trong khẩu hiệu, mà đang khơi dậy truyền thống yêu nước để lan tỏa, thấm đẫm vào từng trái tim mỗi người dân Việt Nam.
Điều đó như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định tại Lễ kỷ niệm: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn. Sự phát triển hùng cường của đất nước chính là lời tri ân thiết thực và ý nghĩa nhất, bởi những người đã ngã xuống và bao thế hệ người có công với cách mạng luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc.