Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về dự án Luật Hộ tịch.
Tờ trình về dự án luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ: Đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, thông qua đó giúp Nhà nước quản lý dân cư, tạo cơ sở để xây dựng, hoạch định và phát triển chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để công nhận và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Các sự kiện hộ tịch cơ bản của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết đều phải được đăng ký, bao gồm: Khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính...
Vấn đề xây dựng số định danh công dân là một trong những điểm mới quan trọng của dự án Luật Hộ tịch so với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội hiện nay không căn cứ vào số, mà thường căn cứ vào các yếu tố nhân thân (như tên họ, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch…) để phân biệt người này với người khác. Việc căn cứ vào các yếu tố nêu trên không phải lúc nào cũng bảo đảm chính xác, đặc biệt nhiều khi rất khó xác định do công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc các cơ quan nhà nước cấp các loại giấy tờ có số liên quan đến công dân (như giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế…) cũng chỉ nhằm sử dụng cho một mục đích nhất định, chứ không phải là loại giấy/số để truy nguyên cá thể. Mặt khác, việc cấp, quản lý, sử dụng các loại giấy có số này cũng không có sự thống nhất, không kết nối được với nhau, nên cũng không giúp ích được nhiều trong công tác quản lý nhà nước và xã hội. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, nhất là trong điều kiện phát triển của kỹ thuật số hóa như hiện nay, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, dự án Luật Hộ tịch (Điều 10) quy định về việc cấp số định danh cho công dân Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh gây xáo trộn, thì chỉ nên cấp số định danh cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh theo quy định của luật mới (khoản 3, Điều 24). Số định danh được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân và giấy tờ khác của cá nhân theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra dự án luật tán thành với quy định của dự thảo luật vì cho rằng, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì việc cấp số định danh công dân là cần thiết, giúp xác định, truy nguyên danh tính công dân được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm cho việc quản lý hộ tịch, quản lý xã hội được chặt chẽ phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của các cơ quan, các ngành, các cấp. Tuy nhiên dự thảo luật quy định số định danh công dân chỉ được cấp cho công dân Việt Nam "sinh ra kể từ ngày luật này có hiệu lực", nghĩa là đối với hơn 87 triệu người dân sinh ra trước đó thì không được cấp số định danh và vẫn được quản lý theo cơ chế cũ. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc nếu không cấp số định danh được cho tất cả công dân thì sẽ không phát huy tác dụng. Theo đại biểu Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nếu không cấp được hết cho hơn 87 triệu người dân sinh ra trước khi luật có hiệu lực thì cần phải cấp cho trẻ dưới 14 tuổi, làm sao để tạo ra số người sử dụng nhiều hơn thì mới phát huy tác dụng phục vụ công tác quản lý.
Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận: Chính phủ trình dự án luật với tinh thần cải cách, đổi mới mạnh mẽ để đơn giản, thuận tiện, công khai minh bạch theo tinh thần cải cách hành chính có lợi cho người dân. Tuy nhiên qua phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn băn khoăn về một số nội dung; có những vấn đề phải tiếp tục làm rõ hơn. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện thêm dự án luật.
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Chiều 13/9, UBTVQH đã nghe Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Báo cáo giám sát, sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, kết quả quan trọng nhất là hàng trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, đời sống khó khăn được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống; xuất hiện một số mô hình sản xuất, chăn nuôi, chuyển nghề hiệu quả. Một số điểm định canh định cư và tái định cư, khu dân cư được quy hoạch, đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, từ chỗ không có nhà ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất, nhiều hộ nghèo đói, du canh, du cư, di cư tự do nay đã có nhà ở, có đất sản xuất, được làm chủ tư liệu sản xuất; đời sống bước đầu đã được ổn định...
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn trên 300.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, gần bằng số hộ cần đầu tư của giai đoạn khởi đầu chính sách (2002 - 2008). Qua giám sát, nổi lên một số tồn tại, bất cập, hạn chế như: Công tác tổng hợp số liệu, rà soát, xác định đúng đối tượng thụ hưởng chính sách này còn hạn chế. Trong khi đó, công tác tham mưu, hoạch định chính sách còn bị động, giải quyết tình thế; công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc đang có biểu hiện chồng chéo, thiếu tập trung. Mục tiêu hạn chế nhanh, đi đến chấm dứt tình trạng di cư tự do vẫn đang là thách thức...
Qua thảo luận, UBTVQH đánh giá cao kết quả giám sát, phản ánh tương đối đầy đủ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS với những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, bất cập và nguyên nhân, đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp. UBTVQH đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, trong đó tập trung đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và biện pháp, nguồn lực, thời hạn cụ thể giải quyết tình trạng còn trên 300.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất.
Theo đoàn giám sát và các bộ, ngành liên quan, vấn đề nan giải, khó khăn nhất hiện nay là quỹ đất sản xuất có hạn, nhất là vùng núi đá phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, chưa thể trả lời khi nào giải quyết xong tình hình thiếu đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Không có nguồn đất, bên cạnh đó là dân cư tăng, tách hộ; chưa giải quyết căn bản vấn đề việc làm cho đồng bào, ứng dụng KHCN còn hạn chế... là những nguyên nhân khiến sức ép về đất sản xuất ngày càng tăng. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện chứ không chỉ riêng vấn đề đất đai; nghiên cứu đầu tư để phát triển theo đặc thù vùng khó khăn về điều kiện tự nhiên.
UBTVQH cho rằng, giải pháp quan trọng đặt ra hiện nay là quy hoạch và phân bố lại nguồn lực đất đai, trong đó cần thực hiện tốt mục tiêu thu hồi đất từ các nông, lâm trường để tạo quỹ đất, giao cho các hộ DTTS nghèo thiếu đất, không có đất sản xuất; tăng cường hỗ trợ đất khai hoang phục hóa và cũng phải tính đến việc mua đất cho người dân. Bên cạnh đó là hạn chế tình trạng chuyển nhượng vì thực tế có những hộ tái thiếu đất do sang nhượng hoặc được giao đất nhưng di chuyển đi nơi khác, nhận đất nhưng không sử dụng... Trong tình hình hạn chế về nguồn đất, căn cơ nhất là chuyển hướng sang tạo việc làm, dạy nghề; tiếp tục các chương trình đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS để từ đó ổn định sinh hoạt, sản xuất, học tập, đóng góp vào đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giàu cho đất nước là một nhiệm vụ nặng nề, cần đưa ra được mục tiêu, giải pháp và thời hạn cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng loại hình. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất phải tùy thuộc vào đặc thù, điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng vùng, từng cộng đồng DTTS và từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó là chú trọng các giải pháp hỗ trợ việc làm, đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật...
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đối với vấn đề di cư tự do, một mặt cần quy hoạch để dân vào vùng có đất nhưng quan trọng hơn là tổ chức tốt cuộc sống tại chỗ, với điều kiện đất ít hơn nhưng là nơi có văn hóa, truyền thống, cộng đồng, làng xóm, tiếng nói, chữ viết... của đồng bào.
UBTVQH cơ bản nhất trí việc ban hành Nghị quyết với 3 nội dung: Khẳng định kết quả cuộc giám sát; yêu cầu Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, yếu kém, tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; mục tiêu, giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng 300.000 hộ DTTS còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Giao trách nhiệm nghiên cứu, bổ sung các quy định đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai trong vùng DTTS khi sửa đổi Luật Đất đai và một số luật liên quan.
Quỳnh Hoa - Thanh Hòa