Mở rộng miễn visa để thu hút khách

Đến 30/6/2016, chính sách miễn thị thực (visa) cho công dân 5 quốc gia Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha sẽ hết hiệu lực, sau 1 năm thực hiện. Với những kết quả đạt nhờ chính sách miễn visa, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp du lịch đều khẳng định nên tiếp tục, đồng thời mở rộng diện miễn visa; coi đây là một trong những giải pháp hiệu quả để kịch cầu du lịch Việt Nam.

Tăng trưởng vượt bậc

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, thời gian qua, nhờ chính sách miễn visa với 5 nước Tây Âu nên lượng khách tăng trưởng vượt bậc. Riêng tại Vietravel, trong 3 tháng đầu năm nay, lượng khách từ những quốc gia này bằng cả năm 2015. “Chúng ta nghĩ miễn visa là chuyện nhỏ trong khi khách quốc tế lại xem đó là việc đầu tiên khi họ tìm kiếm và quyết định chuyến du lịch. Nếu chỉ gia hạn một năm sẽ làm khó doanh nghiệp vì các doanh nghiệp đều có chiến lược dài hạn. Còn không tiếp tục miễn visa, thì công sức, tiền bạc đầu tư quảng bá, tiếp thị thời gian qua coi như vô ích”, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.

Khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội.

Còn ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc APT Travel cho biết: “Nhờ áp dụng chính sách miễn visa, lượng khách đến từ các nước Tây Âu tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, lượng khách này chủ yếu khách nối tuyến từ một số điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore... Thời hạn 1 năm là quá ngắn cho doanh nghiệp du lịch triển khai công tác xúc tiến quảng bá. Đối với những thị trường xa, công tác xúc tiến, quảng bá phải triển khai trước từ 6 tháng - 1 năm. Do đó, muốn thu hút từ chính thị trường nguồn, thời gian miễn visa phải từ 3 - 5 năm”.

Theo Tổng cục Du lịch, trong 10 tháng miễn thị thực nhập cảnh (đến hết tháng 4/2016), tổng lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đã đạt gần 629.000 lượt, tăng gần 15% so với cùng kỳ, trong khi giai đoạn từ năm 2010 - 2014, tổng lượng khách quốc tế đến từ 5 thị trường Tây Âu chỉ tăng trung bình 5,3%/năm. Về thu nhập, theo kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch từ 5 nước được miễn visa tại Việt Nam là 1.316 USD, nên tổng thu trực tiếp ước đạt gần 828 triệu USD, nguồn thu từ lượng khách tăng thêm tương đương khoảng 200 triệu USD. “Như vậy, lợi ích thu được từ chính sách miễn thị thực nhập cảnh là rõ ràng. Trong khi số tiền không thu được từ lệ phí thị thực là lợi ích nhỏ, chưa tính đến tác động tiêu cực do làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Lê Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết.

Đề xuất kéo dài thời gian

Việc mở rộng miễn visa đang là xu thế chung của các nước trên thế giới. Các nước là điểm đến cạnh tranh với du lịch Việt Nam đều có chính sách thị thực nhập cảnh rất thông thoáng: Thái Lan miễn visa cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ, Malaysia miễn visa cho công dân 155 nước và vùng lãnh thổ, Singapore miễn visa cho công dân 158 nước và vùng lãnh thổ, Indonesia miễn thị thực cho công dân 169 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, các nước đều có chính sách cấp visa tại cửa khẩu và visa điện tử (E - Visa) rất thuận lợi. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ miễn visa cho 22 nước.

Theo Tổng cục Du lịch, chính sách miễn visa trong 1 năm mang tính ngắn hạn, trong khi các kế hoạch kinh doanh thường theo chiến lược trung hạn (3 đến 5 năm) hoặc dài hạn (trên 5 năm) để các doanh nghiệp có phương án đầu tư nguồn lực và sắp xếp kế hoạch kinh doanh. Khách đến từ thị trường xa như Tây Âu cũng cần ít nhất 3 đến 6 tháng để quyết định điểm đến đi du lịch sau khi có thông tin. Trên thực tế, chính sách miễn visa ngắn hạn mới chủ yếu thu hút khách đi lẻ; các doanh nghiệp tổ chức khách theo đoàn lớn vẫn còn dè dặt, chờ đợi chính sách dài hạn, ổn định của Việt Nam. Do đó, chính sách miễn thị thực ngắn hạn trong 1 năm là chưa đủ để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu đến Việt Nam thường khoảng 3 - 4 tuần nên việc miễn visa trong 15 ngày chưa thực sự hấp dẫn du khách. Do đó, Bộ VHTTDL đã gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 5 nước Tây Âu từ 1 năm lên 5 năm; đồng thời tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Tây Âu.

Bộ VHTTDL cũng đề nghị miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước đến Việt Nam du lịch theo chương trình tour trọn gói do các công ty lữ hành quốc tế được phép hoạt động tại Việt Nam tổ chức. Theo Bộ VHTTDL, đối tượng khách áp dụng chính sách này chiếm khoảng 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và chủ yếu là đối tượng đi tham quan nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, việc miễn thị thực với khách đoàn đi theo công ty lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức sẽ quản lý được nguồn khách và quản lý được cả doanh nghiệp lẫn chất lượng dịch vụ, nghĩa vụ đóng thuế.

“Cùng với việc miễn visa, Bộ VHTTDL cũng đề xuất sớm triển khai áp dụng cấp visa tại cửa khẩu và cấp visa điện tử. Việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi thông qua cấp visa điện tử sẽ là giải pháp thu hút khách trong thời gian tới”, ông Lê Tuấn Anh cho biết.

Tuy nhiên, chính sách miễn visa chỉ là bước đầu tiên để thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Để giữ chân khách và để khách quay trở lại nhiều lần, thì vấn đề quan trọng là tiếp tục nâng cấp chất lượng dịch vụ, giữ gìn vệ sinh môi trường, sự thân thiện và an toàn tại điểm đến, tạo dựng sản phẩm mới. “Để làm được vấn đề này, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp du lịch”, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Kiến nghị gia hạn thời gian miễn visa
Kiến nghị gia hạn thời gian miễn visa

Do lượng khách châu Âu đến Việt Nam liên tục giảm trong thời gian qua, việc miễn thị thực cho các nước Tây Âu và Belarus là điều rất cần thiết. Đây là nhóm đối tượng chi tiêu cao trong nhóm khách du lịch đến Việt Nam, với mức trung bình 350 USD/ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN