Mở rộng chính sách thí điểm, đặc thù đã có hiệu quả để đẩy mạnh tăng trưởng

Với quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã điều chỉnh kịch bản tăng trưởng năm 2025 với mức tăng trưởng kinh tế lên 14%, cao hơn 2% so với mức Thủ tướng giao. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay của địa phương này.

Chú thích ảnh
Đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Tại Kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, cao hơn mục tiêu Trung ương và Quốc hội đã quyết nghị là "6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%" trước đó.

Quảng Ninh là một địa phương được Thủ tướng giao chỉ tiêu tăng trưởng cao và những năm qua tỉnh chứng minh khi đã giữ vững đà tăng trưởng kinh tế hai con số trong 9 năm liên tiếp từ năm 2015-2023, kể cả trong giai đoạn chịu tác động nặng nề của COVID-19. Đến năm 2024, do tác động của bão số 3 (Yagi), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của Quảng Ninh giảm xuống còn 8,42%, song địa phương này vẫn đứng thứ 6 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 20 cả nước.

Năm 2025, mục tiêu ban đầu Quảng Ninh đề ra tại Nghị quyết 31 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 237 của HĐND tỉnh là đạt mức tăng trưởng GRDP 12,05%, tiếp tục duy trì vị thế là một địa phương dẫn đầu cả nước, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số của Việt Nam. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã điều chỉnh kịch bản tăng trưởng năm 2025 với mức tăng trưởng kinh tế lên 14%, cao hơn 2% so với mức Thủ tướng giao. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay của địa phương này.

Đây là chỉ tiêu đặt ra thách thức không nhỏ nhưng cũng thể hiện quyết tâm lớn, trách nhiệm của một địa phương được xác định là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc trong đóng góp cho tăng trưởng chung của cả nước. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 14% là quyết tâm lớn của tỉnh Quảng Ninh, đòi hỏi nỗ lực trong triển khai các giải pháp nhằm giải phóng toàn bộ nguồn lực, tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát

Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam cho biết, Quảng Ninh xác định dư địa tăng trưởng của tỉnh gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch, dịch vụ; xuất nhập khẩu; đầu tư công, đầu tư tư. Để dựa vào tiềm năng, phát huy được nguồn lực, việc quan trọng là tiếp tục tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, thủ tục pháp lý đối với dự án đầu tư ngân sách và ngoài ngân sách (thủ tục mỏ đất, mỏ cát để có đất đắp nền; thủ tục giải ngân, thủ tục đầu tư; thủ tục về các dự án nhà ở đô thị, dự án dịch vụ kho bãi, hậu cần logistic; thủ tục về giải phóng mặt bằng…).

Ngoài ra, địa phương cần đa dạng thêm sản phẩm du lịch để thu hút du khách, đặc biệt là phát huy tiềm năng của di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch; kêu gọi đầu tư FDI, phối hợp phía Trung Quốc giải quyết nhanh thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua biên giới.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát

Với kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2025 của Quảng Ninh để đạt được con số 14%, quy mô nền kinh tế năm nay phải đạt khoảng 395.000 tỷ đồng. Điều này đòi hỏi sự cố gắng tối đa, nỗ lực cao nhất toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, địa phương này cần thực hiện một cách linh hoạt, chủ động giải pháp, biện pháp điều hành. Đồng thời Quảng Ninh cần kịp thời kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ vào một số nội dung như: Cần có một chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu. Từ các chính sách thí điểm của 10 địa phương đã được thực hiện trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Quốc hội cho rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn, áp dụng một số chính sách thí điểm, đặc thù đã có hiệu quả. Đồng thời có biện pháp, giải pháp chủ động, tích cực thực hiện các dự án đầu tư công và đầu tư tư, đây là giải pháp để nhanh nhất đạt, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng; tập trung giải ngân vốn đầu tư, tiến độ đầu tư ngay từ đầu năm, không để cuối năm tạm ứng được coi là hoàn thành giải ngân.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề xuất thêm về việc khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm điểm nghẽn, nút thắt ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân (như giải phóng mặt bằng, quy hoạch, nguồn cung ứng vật liệu...). Đồng thời giải quyết dứt điểm đối với dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Tỉnh rà soát toàn bộ các dự án đang triển khai, vướng mắc, khó khăn để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ; đề cao vai trò, trách nhiệm của sở, ngành, địa phương trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Thanh Vân (TTXVN)
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV, sáng 15/2/2025, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN