Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ban xây dựng Đảng; các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và 2.779 đại biểu từ 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến hết tháng 9/2018, địa phương có số văn bản phản biện nhiều nhất là thành phố Hà Nội với 7.560 văn bản, tiếp đó là Đồng Tháp với 5.015 văn bản phản biện và thấp nhất là các tỉnh Điện Biên, Hà Nam mỗi tỉnh tổ chức được một hội nghị phản biện xã hội của cấp tỉnh. Đến nay, 100% cấp tỉnh trong cả nước đã triển khai hoạt động phản biện xã hội. Ở một số địa phương, cấp huyện, cấp xã chưa tiến hành triển khai hoạt động phản biện xã hội.
Sau 5 năm, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương tổ chức 82.865 cuộc phản biện xã hội, trong đó: Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phản biện xã hội được 4.048 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện chủ trì phản biện xã hội được 15.064 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chủ trì phản biện xã hội được 63.753 cuộc...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; những vấn đề đặt ra trong vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam và việc nêu cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên. Các đại biểu cũng dành thời gian đánh giá thực trạng về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là sự chuyển biến trong thực hiện trách nhiệm giải quyết, trả lời, phản hồi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, được phản biện, được góp ý. Đây cũng là dịp để các tổ chức thành viên, các địa phương giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm những mô hình hay, cách làm tốt về công tác giám sát, phản biện xã hội; đề xuất, kiến nghị giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, cùng với Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI), các văn bản của Nhà nước đã góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống thực chất hơn. 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều khởi sắc, hiệu quả, thiết thực hơn, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế, hình ảnh của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đối với nhân dân, đối với Đảng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định 217, 218 của Đảng, qua đó đóng góp cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả của việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn, đầy đủ hơn trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xem đây là phương thức quan trọng để Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị lắng nghe, tiếp nhận, giải quyết ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Trên cơ sở đó, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng đề nghị các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, hướng dẫn việc phối hợp giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.
Cùng với đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, có đánh giá rút kinh nghiệm hàng năm đối với hoạt động giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về những kinh nghiệm, cách làm hay, các điển hình tiên tiến trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kịp thời phát hiện, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, những cách làm hình thức, kém hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến tham luận tại Hội nghị và ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp cần quan tâm tới các hình thức giám sát sao cho hiệu quả, thiết thực, từ đó nhân rộng các mô hình điển hình trong hoạt động giám sát để tạo sức lan tỏa trong nhân dân, huy động sự vào cuộc của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần tăng cường hoạt động phản biện theo đúng tinh thần của Quyết định 218-QĐ/TW.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu trong năm 2019, khi triển khai các chương trình giám sát, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị- xã hội cần tập trung giám sát về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát huy vai trò chủ trì giám sát phòng, chống tham nhũng.
"Đặc biệt, cần huy động sự vào cuộc của nhân dân và cùng với nhân dân phòng chống tham nhũng, lãng phí; triển khai giám sát cá nhân cán bộ, đảng viên, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, nhất là tích cực giám sát cán bộ chủ chốt, đảng viên theo Quy định 124 ngày 2/2/21018 của Ban Bí thư. Sau Hội nghị này, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với cách làm sáng tạo để hoạt động giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm; chủ động phối hợp với Quốc hội, chính phủ, các bộ, ngành liên quan có những cơ chế giám sát, phản biện xã hội hiệu quả", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn lưu ý.