Tại buổi làm việc, đại biểu của các địa phương đã cùng thông tin kết quả hoạt động, trao đổi kinh nghiệm giữa Mặt trận các bên thời gian qua. Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến, trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tuyên truyền cho mọi người dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, làm cho mọi người có ý thức về vai trò, nhiệm vụ của một công dân. Các nội dung nêu trên được cụ thể hóa bằng 4 cuộc vận động lớn trong năm 2022, bao gồm các cuộc vận động “Vì người nghèo”; “Vì biển đảo quê hương”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung phục hồi tích cực dù vẫn còn chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. TP Hồ Chí Minh tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của khu vực phía Nam và cả nước.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công tác giáo dục đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm, cơ bản giải quyết được tình trạng khan hiếm thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện; các hoạt động đối ngoại được tổ chức hiệu quả; công tác bảo đảm an ninh trật tự xã hội được thực hiện nghiêm, giảm thiệt hại do cháy nổ và tai nạn giao thông.
Bà Trần Kim Yến cho biết, trong nhiều năm qua, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào - Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025”, theo đó 33 gia đình Việt tại thành phố nhận đỡ đầu 42 sinh viên Lào, 6 sinh viên Campuchia. Thông qua việc nhận đỡ đầu, Chương trình tạo điều kiện cho các sinh viên Lào – Campuchia đang học tập trên địa bàn Thành phố có cơ hội được sinh hoạt, giao lưu với các gia đình Việt Nam, hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người, các giá trị truyền thống gia đình Việt, đồng thời cũng là cơ hội cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, giúp các sinh viên đạt kết quả học tập ngày càng tốt hơn.
Về tình hình xúc tiến, hợp tác đầu tư giữa TP Hồ Chí Minh với tỉnh Champasak và Thủ đô Viêng Chăn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh Trần Phú Lữ cho biết, vào tháng 12/2022, hai bên đã phối hợp tổ chức “Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Lào”, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam - Lào, trong đó có nhiều doanh nghiệp đến từ Champasak và Viêng Chăn. Trong khuôn khổ Diễn đàn đã có 17 thỏa thuận hợp tác và 1 hợp đồng kinh tế được ký kết với tổng giá trị khoảng 4.000 tỷ đồng, đồng thời xây dựng không gian để quảng bá những sản phẩm đặc trưng của các địa phương Lào đến người dân Việt Nam.
Bà Vatsana Silima cho biết, Champasak đánh giá cao nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc thực hiện nội dung trong biên bản ghi nhớ hợp tác được ký vào năm 2022, qua đó phát huy mối quan hệ hữu nghị giữa hai địa phương. Cũng như TP Hồ Chí Minh, tỉnh Champasak và nhiều địa phương khác của Lào gặp rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên tỉnh vẫn cố gắng giữ vững tình hình an ninh, trật tự xã hội và ổn định cuộc sống của nhân dân. Năm 2023, Champasak hy vọng sẽ tiếp tục có thêm nhiều cơ hội hợp tác với TP Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng mỗi đất nước phát triển, xây dựng mối quan hệ hữu nghị bền vững giữa hai quốc gia.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước Thủ đô Viêng Chăn Thanome Thamthong nhấn mạnh, Mặt trận Thủ đô Viêng Chăn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh phát huy thành công của “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”, tuyên truyền cho nhân dân Lào, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn về mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người Việt Nam làm ăn, sinh sống ở Lào.