Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV:

Mạnh tay cấm các mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh ‘không lối thoát’ chữa cháy  

Sáng 24/5, bên lề Quốc hội, một số đại biểu chia sẻ về vụ cháy thương tâm xảy ra ở phố Trung Kính, Hà Nội, làm 14 người tử vong; đồng thời, nêu rõ những giải pháp cần đưa vào trong luật, cũng như cách triển khai phòng cháy, chữa cháy ở các thành phố lớn, đô thị.

Video Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ: 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH Hải Dương:

Phải di dời trường đại học ra ngoại ô 

Chúng ta nói nhiều đến các vụ cháy và nguy cơ xảy ra cháy ở các khu nhà trọ cho thuê, các chung cư mini ở đô thị lớn. Thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ cháy gây hậu quả vô cùng thương tâm, không chỉ thiêu trụi tài sản của người dân, mà còn khiến cho nhiều người tử vong, bị thương.

Chúng ta đề ra nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất các vụ cháy xảy ra, đặc biệt khu vực nhà dân. Một trong những giải pháp là sự nỗ lực quản lý tốt được các phương tiện phòng, chống cháy nổ ở các khu tập thể cũng như nhà dân.  

Nhưng cần có một giải pháp nữa liên quan đến loạt các luật của Quốc hội vừa mới thông qua tại Kỳ họp thứ 6 về phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê về vấn đề này.

Kết quả giám sát và khảo sát hiện nay cho thấy, dù đã được hưởng rất nhiều ưu đãi, nhưng phân khúc nhà ở xã hội giá thành khá cao so với thu nhập của những người lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở các đô thị lớn.  

Với Hải Dương, giá nhà ở xã hội dao động từ khoảng 11 triệu - 14 triệu đồng/m2. Như vậy, nhà ở xã hội dạng chung cư khoảng 50 m2, người thu nhập phải bỏ ra một số tiền rất lớn để sở hữu và vượt quá khả năng chi trả của họ.  

Qua giám sát, nhiều người lao động cho rằng, với mức lương hiện nay của họ chỉ đủ sống ở các đô thị, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể. Như vậy sẽ khó có khoản tiền từ 500 - 700 triệu đồng để mua một căn nhà ở xã hội. Đa phần nguyện vọng của người lao động có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị lớn là được sở hữu một căn nhà ở xã hội không phải dưới dạng mua trả góp, mà dưới dạng trả tiền thuê hàng tháng.

Cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc này để cho người lao động có thu nhập thấp có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn với nhà ở xã hội. Khi nhà ở xã hội được hình thành, chắc chắn sẽ đáp ứng được rất nhiều các tiêu chí như diện tích, kết cấu và những điều kiện phòng cháy chữa cháy mới đảm bảo an toàn hơn. Vấn đề này nên trở thành một trong những giải pháp. 

Tiếp đó, ưu đãi khi xây nhà ở xã hội với các dự án khác hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, trong Luật nhà ở quy định rất rõ về nhà ở xã hội và phải đáp ứng được tiêu chí về quy hoạch và các tiêu chí khác. Có rất nhiều dự án, trong đó có dự án nhà ở xã hội lẫn dự án nhà ở sinh viên, làng sinh viên, nhưng sau khi xây xong lại không có hoặc không có nhiều người đến ở, vì chưa đáp ứng được các tiêu chí khác ngoài tiêu chí "có nhà" như tiêu chí hạ tầng hay dịch vụ đi kèm. Những tiêu chí này nếu không đáp ứng được sẽ khó để thu hút người ở. 

Cụ thể, với nhà ở xã hội và nhà công nhân, tiêu chí về hạ tầng là gần bến xe buýt, thuận tiện đường đi, thuận tiện cả về mặt khoảng cách đối với những công trình phúc lợi khác như trường học, chợ. Trước khi quy hoạch, tiến hành một dự án, cần phải khảo sát kỹ lưỡng nhiều các yếu tố khác nhau không chỉ dừng ở đất đai...

Từ lâu, TP Hà Nội đã có kế hoạch di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô, nhưng chưa làm được. Điều này vẫn đang tạo sức ép lên hạ tầng, đặc biệt là khu vực nội đô có đông các trường đại học tập trung, đông sinh viên theo học. Do vậy, nếu làm tốt công tác di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội, chắc chắn giảm tải được áp lực nhà trọ.

Đây không phải lần đầu xảy ra vụ cháy thương tâm ở Hà Nội. Cử tri đã phản ánh, Quốc hội thảo luận rất nhiều. Tuy nhiên, nếu để rà soát triệt để, đây là việc làm không dễ. Thực tế, các khu chung cư mini, nhà trọ xuất hiện nhiều, nếu xử lý tất cả các khu nhà trọ và các chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, không được cho thuê trọ nữa, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. 

Thứ nhất, tác động tiêu cực với những chủ đầu tư. Tiếp đó, quan trọng hơn là những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống tại đây sẽ đi đâu về đâu?, song, cũng không thể buông lỏng quản lý.

Vì vậy, trong những quy định về phòng cháy, chữa cháy đã gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Điều quan trọng hiện nay là rà soát tích cực và có phương án đối với từng loại hình, chứ không thể có một phương án hay công thức chung. 

Chúng ta sẽ xử lý theo hướng kiểm tra kết cấu. Phần lớn các nhà bị cháy mà có rất nhiều người tử vong là do không có lối thoát. Phải yêu cầu nhà cho thuê ít nhất phải đảm bảo được lối thoát hiểm.

Công tác tập huấn về phòng, chống cháy nổ và công tác tập huấn về kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra cũng cần thiết. Một trong số những nguyên nhân xảy ra những vụ cháy thương tâm là do ý thức của con người. Do đó, cần chấn chỉnh ý thức.

Chú thích ảnh
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH Đồng Nai. Ảnh: LV

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH Đồng Nai:

Mạnh tay với các nhà ở kết hợp kinh doanh không đảm bảo điều kiện 

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cách đây vài tuần khi thẩm tra, tôi đề cập rà soát lại quy định phòng cháy với nhà ở kết hợp với kinh doanh. Với mô hình này cháy nổ xảy ra bất cứ lúc nào, nếu đã cháy, khả năng dẫn đến chết người số lượng lớn. Dù Luật quy định, có rút kinh nghiệm, chỉ đạo, các biện pháp phòng chữa cháy nhưng nguy cơ cháy với nhà ở, nhà dân, cho thuê trọ là điều xảy ra bất cứ khi nào nếu không cẩn trọng.  

Chúng ta cần nhìn nhận, nhu cầu người dân, người lao động ở các thành phố lớn muốn thuê nhà có chỗ để lao động, học hành là bình thường. Tương tự với nhu cầu người dân có nhà cho thuê. Nhưng khó khăn đặt ra là công tác chữa cháy nếu xảy ra. Giải pháp đầu tiên là phải phòng cháy trước bằng cách tăng ý thức người dân. Tiếp đó là khẳng định vai trò của cơ quan quản lý và các cấp chính quyền.

Các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương... nơi tập trung người lao động, công nhân đông, phải rà soát kỹ lưỡng những nhà ở dạng này. Trang bị khu vực đó có bình cứu hỏa, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm… 

Bên cạnh đó, phải có hệ thống đồng bộ hơn trong quy hoạch đô thị. Đầu tư dự án nhà xã hội, nhà thu nhập thấp, giảm dần thuê trọ tự phát như hiện nay. Hà Nội có nhiều quỹ đất tận dụng được cho người thu nhập thấp thuê. Phải có cơ chế đề cập trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Lê Vân/Báo Tin tức
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tới hiện trường, thăm hỏi các nạn nhân vụ cháy
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tới hiện trường, thăm hỏi các nạn nhân vụ cháy

Sáng 24/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã tới hiện trường vụ cháy khiến nhiều người thương vong tại phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; kiểm tra công tác cứu chữa và thăm, động viên các nạn nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông vận tải, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN