Thế là từ ấy, trong khoảng 16 năm giao mùa đầu của hai thiên niên kỷ XX –XXI, một cây bút viết bình luận thời sự theo cách “sinh sự”, “gây sự” mang bút danh Lý Sinh Sự, không chỉ “sống” trên trang mặt tiền của báo Lao Động mỗi ngày, mà còn đều đều xuất hiện trên các số báo cuối tuần, cuối tháng, đặc san của một vài tờ báo đông bạn đọc khác.
Thế nhưng, ngay cả đến bây giờ, khi nhà báo lão thành Trần Đức Chính tròn 80 tuổi vào ngày 16/4 vừa qua và đã “rửa tay gác bút", bạn đọc cuốn sách này không phải ai cũng biết về Lý Sinh Sự và “bí mật” bút lực của cụ Lý. Ông viết bài mỗi đêm, sau một giấc ngủ chập chờn vì các thông tin, sự kiện, vấn đề phát sinh trong ngày. Sang canh tư, ông thức dậy và viết bài. Nếu ở nhà thì “vô tư”, vì sẵn giấy bút và máy fax. Còn nếu đi công tác hoặc đây đó thì "cách rách" lắm.
Gác mục “Nói hay đừng” cả chục năm trên báo Lao Động; đều như vắt chanh, mỗi ngày một bài cho chuyên mục, một tháng 30 bài, một năm 360 ngày, 10 năm 3.600 bài và thêm khoảng 10% bài trên các báo khác. Tức là trên dưới 4.000 bài, cũng là 4.000 lần “gây sự“ bằng tiểu phẩm “Nói hay đừng”.
Nhẩm tính cụ Lý đã có trên dưới 6.000 bài “Nói hay đừng” đăng báo, nghĩa là cụ đã “sinh sự” với xã hội, với quan chức, với cơ chế, với những điều sai quấy trong cuộc sống và gây “nghiền” cho không ít bạn đọc.
Tuy nhiên, cụ Lý là nhà báo rất “âm lịch” của thời 4.0. Cụ không biết đánh máy chữ, dù mổ cò, và càng không biết viết bài trên máy tính để soạn bài, save file, rồi gửi về hộp thư điện tử của toà soạn. Cụ viết tay, bằng bút máy, bút bi, bút mực học trò, sửa, chép và gửi fax về tòa báo. Đi công tác, cơ sở không có máy fax, sáng sớm phải rình Bưu cục huyện mở cửa để fax bài về Hà Nội.
Một đồng nghiêp thân thiết của cụ ở Thông tấn xã Việt Nam, ông Bảo Dân nhận xét rằng, làm cái việc viết lách giữ chuyên mục này, dù bão chết cò, giỗ bố mẹ vợ, con gái đi… đẻ, cũng không được ngưng.
Các đồng nghiệp biên soạn cuốn sách này đã công bố hết thảy chân dung nghề nghiệp của Nhà báo Trần Đức Chính, cựu sinh viên Văn khoa khóa 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội, có bằng đỏ về Văn hóa quần chúng công nhân ở Nga; làm phóng viên, biên tập và từng giữ chức Phó tổng biên tập báo Lao Động và Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận, Giảng viên thỉnh giảng của Trung tâm Bồi dương Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam).
Cây bút đặc sắc về thời sự - bình luận Lý Sinh Sự trong cuốn “Hãy viết tiểu phẩm” (Nhà xuất bản Thông tấn 2007) khá hấp dẫn sinh viên báo chí. Cụ Lý cho rằng “thể loại này rất cần cho các tờ báo muốn khẳng định “đẳng cấp” của mình và đáp ứng nhu cầu độc giả”. Người đọc ngày nay đã “no xôi chán chè" các loại thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và thường là trùng lặp nhau giữa các báo. Tiểu phẩm là phút thư giãn, một chút kích thích “tính chiến đấu” của mọi công dân trước thói hư tật xấu ở đời, chống tiêu cực nói chung và xoáy mũi nhọn vào bọn tham nhũng”. Và Lý Sinh Sự chốt lại: “Tất cả các tờ báo nên có chuyên mục này”.
Phong cách hài hước, châm biếm, đả kích trong các tiểu phẩm của Lý Sinh Sự khá đồng nhất. Cùng là một thông tin, sự kiện, vấn đề thời sự, với nhiều tờ báo sẽ chìm nghỉm trong rừng rừng, lớp lớp thông tin, nhưng một khi đã trở thành chất liệu cho tiểu phẩm “Nói hay đừng” thì nội dung đó sẽ ngấm rất sâu vào suy nghĩ, tâm thức và thái độ chính trị của người đọc. Đặc biệt, kiểu văn đối thoại của cụ Lý vừa thông minh, hóm hỉnh, lại vừa sâu sắc, lắng đọng.
Ở góc độ nghiệp vụ báo chí, cụ Lý khuyến cáo các đồng nghiệp rằng: “Nếu ai đó ngại đụng chạm thì chả nên lao vào tiểu phẩm, tìm việc khác “nhàn thân” hơn, kể cả làm thơ ca ngợi những cuộc tình đã mất, và “con cá mất bao giờ cũng là con cá to”.
Đừng lăn tăn gì nữa, Nhà báo Lý Sinh Sự là cây bút được độc giả yêu mến, quan tâm đón đọc mỗi ngày khi có tờ báo trong tay. Văn phong độc đáo, dị biệt nhưng mạch lạc, dân dã, hóm hỉnh, cuốn hút bạn đọc lạ kỳ, dù bài báo chỉ bằng “bàn tay” trên trang báo.
Cảm ơn Nhà báo Lưu Quang Định và các đồng nghiệp đã sưu tập, biên soạn cuốn sách "Nói hay đừng" này của Nhà báo Trần Đức Chính – Lý Sinh Sự bạn tôi, người vừa là đồng môn, vừa là đồng nghiệp thân thiết trên sáu chục năm ròng.
Nhà báo Trần Đức Chính sinh năm 1944, từng là học sinh cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội). Nhà báo Trần Đức Chính từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967. Từ 1968 – 1972, ông là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông từng học ĐH Văn hóa Leeningrát (Liên Xô cũ). Ông công tác tại báo Lao Động từ cuối năm 1967. Ông nghỉ hưu với cương vị Phó TBT báo Lao Động. Sau đó ông làm Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận từ năm 2006 đến năm 2010. Ngoài viết báo, ông cũng tham gia giảng dạy báo chí và tham gia BGK Giải Báo chí Quốc gia.