TTXVN xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn.
Xin cảm ơn Thượng tướng đã dành thời gian cho TTXVN thực hiện cuộc trao đổi hôm nay. Trước hết, Thứ trưởng có thể chia sẻ về những kết quả mà lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đóng góp với Liên hợp quốc trong thời gian qua?
Có thể nói chúng ta mới chỉ thành công ở bước đầu. Có ba nội dung lớn mà chúng ta rất thành công trong hợp tác với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong hơn 5 năm qua. Trước hết là việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, chủ trương của Đảng và Nhà nước, hệ thống chỉ huy của Quân đội về lực lượng hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Đây là vấn đề mới, vấn đề liên ngành, liên quốc gia cho nên cần thời gian và quá trình chuẩn bị công phu, chặt chẽ.
Thứ hai, chúng ta đã cử được 27 lượt sỹ quan tham mưu tham dự các Phái bộ hòa bình ở châu Phi, đóng góp quan trọng cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và giúp cho chúng ta thời gian, thông tin, kinh nghiệm cho việc tổ chức tham gia bằng một đội hình cấp đơn vị.
Thứ ba, chúng ta đã chuẩn bị tốt cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được đặt tại Bệnh viện Quân y 175, để hai ngày nữa Bệnh viện dã chiến sẽ lên đường tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
Công tác chuẩn bị cho thấy chúng ta có niềm tin rằng Bộ đội chúng ta sẽ mang lại thành công, phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình, đóng góp cho hòa bình ổn định của thế giới trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Nói là rất thuận lợi, rất tự tin, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ không hề đơn giản và chúng ta còn phải hết sức chăm lo, cố gắng hơn nữa cả về khâu chỉ huy lãnh đạo từ Việt Nam lẫn thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn. Đây là một nhiệm vụ, một thử thách lớn mà chúng ta còn phải tiếp tục cố gắng nếu muốn hoàn thành tốt. Tuy có nhiều khó khăn, nhiều cái mới lạ nhưng qua những gì đã trải qua kể từ những ngày đầu đến nay, có thể khẳng định bộ đội chúng ta sẽ lên đường an toàn và giành được thắng lợi.
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam lần đầu tiên triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở cấp một đơn vị tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc?
Chúng ta đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được 5 năm, dưới hình thức sỹ quan tham mưu, sỹ quan liên lạc, quan sát viên… Việc tham gia đó đã đóng góp tích cực cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhưng chỉ tham gia ở khía cạnh quan sát, tham mưu, chưa có hành động cụ thể. Việc lần này chúng ta đưa Bệnh viện dã chiến cấp 2 sang Nam Sudan là chuyển từ tham mưu sang thực hiện hành động cụ thể và cũng là cơ hội kiểm tra năng lực của sỹ quan chúng ta, kể cả về quân sự, quan hệ quốc tế lẫn trình độ quân y.
Với công tác chuẩn bị chu đáo và những thông tin đã nhận được từ Liên hợp quốc, tôi tin là Liên hợp quốc đang rất chờ đợi chúng ta, xem Việt Nam trong thời bình sẽ thế nào sau khi đã thành công trong thời chiến. Đây là một ý nghĩa to lớn, chứng minh sự đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình thế giới, chứng minh quân đội ta rất anh hùng, rất giỏi khi tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ hòa bình cũng rất giỏi, rất chủ động.
Điểm nổi bật trong Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi làm nhiệm vụ có 10 đồng chí nữ. Đối với lực lượng gìn giữ hòa bình nói riêng, Liên hợp quốc nói chung thì vấn đề bình đẳng giới được đặt rất cao. Tỷ lệ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình thường là chỉ yêu cầu khoảng 10%, nhưng chúng ta đi lần này là 10/63 đồng chí đạt 16 %, vì thế đây cũng là dấu ấn thể hiện Việt Nam vừa làm tốt nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, vừa thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Liên hợp quốc. Chính vì vậy, họ cũng rất trông chờ sự có mặt của 10 nữ sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại lục địa châu Phi.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, xin Thượng tướng cho biết thêm về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian sắp tới để chúng ta tiếp tục đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc?
Trước tiên, chúng ta cần tiếp tục nắm bắt thông tin, thường xuyên rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết để nghiên cứu, hoàn thiện vấn đề xác định xem chúng ta nên tham gia ở lĩnh vực nào, ở quốc gia nào, làm việc gì và đội hình bao nhiêu. Cụ thể là ngay sau khi Bệnh viện số 1 xuất quân thì Bệnh viện số 2 sẽ được chính thức thành lập và đặt tại Bệnh viện Quân y 103 ở Học viện Quân y. Sau một năm huấn luyện, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ lên đường thay cho Bệnh viện số 1. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sau khi về nước sẽ không giải tán mà chuyển thành một bệnh viện dã chiến của quân đội để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, các nhiệm vụ quân sự trong thời bình và kể cả các cuộc diễn tập quốc tế song phương và đa phương ở trong nước và cả nước ngoài. Như vậy, chúng ta sẽ có một bệnh viện dã chiến cơ động ở trong nước và một bệnh viện ở địa bàn nước ngoài.
Một vấn đề nữa, chúng ta cần phải chuẩn bị cho đội công binh, đây là một cam kết của Việt Nam đối với Liên hợp quốc. Dự kiến, nếu thuận lợi thì vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020, chúng ta sẽ đặt vấn đề cho việc xuất quân của đội công binh. Ngoài ra, cần tiếp tục quan tâm xây dựng Cục Gìn giữ hòa bình và Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam. Vừa qua, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam đã được Liên hợp quốc chứng nhận là một trung tâm có tầm cỡ quốc tế của Liên hợp quốc và được Liên hợp quốc ủy thác cho huấn luyện các lực lượng gìn giữ hòa bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là nội dung rất quan trọng để nâng cao năng lực các chiến sỹ gìn giữ hòa bình của chúng ta ở trong nước cũng như tham gia các hoạt động quốc tế.
Khi tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại nước ngoài, mỗi cán bộ, chiến sỹ sẽ là một sứ giả của hòa bình, sứ giả văn hóa và sứ giả của sức mạnh quân sự của chúng ta có được từ truyền thống nhiều năm qua, thể hiện sức mạnh quân sự của chúng ta có tác dụng rất tích cực trong thời bình. Trong quá trình huấn luyện, từng cán bộ, chiến sỹ đều phải rèn luyện giỏi nghề của mình, giỏi ngoại ngữ, thông thuộc luật pháp quốc tế, am hiểu về chính trị.
Tất nhiên không phải mọi cái đều hoàn thiện, nhưng cũng như tôi vừa giao nhiệm vụ cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là tất cả cán bộ, chiến sỹ phải luôn luôn tự học, tự rèn. Hoàn cảnh khó khăn của địa bàn chính là nơi tốt nhất để nâng cao kỹ năng, trình độ chính trị và kỷ luật của quân đội nhân dân Việt Nam.
Xin cảm ơn Thượng tướng!